Nhiều kết quả tích cực

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng cho biết, sau 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, đến nay, Đà Nẵng đã thu được được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị đạt 96.5 %, khu vực nông thôn đạt 86.49 %; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn 65%; từng bước áp dụng các giải pháp tái sử dụng, tái chế đối với chất thải rắn; 100% chất thải y nguy hại y tế được quản lý đạt yêu cầu; 6/6 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 13.250 m3/ngày đêm, chất lượng nước thải sau xử lý tại các trạm cơ bản đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả thải.

Đối với nước thải sinh hoạt, tổng lượng nước thải đô thị của thành phố ước khoảng 160.000 m3/ngày đêm, đến nay đã thu gom đưa về 05 trạm xử lý nước thải đô thị tập trung. Các nhiệm vụ, giải pháp xử lý các điểm nóng môi trường đang được tập trung thực hiện. Thành phố đang tiến hành xây dựng thêm trạm xử lý nước thải tại Hòa Xuân công suất 40.000 m3/ngày đêm, đang chuẩn bị xây dựng trạm xử lý nước thải tại Liên Chiểu 20.000 m3/ngày đêm. Về xử lý chất thải rắn, ngoài bãi chôn lấp vệ sinh Khánh Sơn với 05 hộc rác sinh hoạt (khoảng 14ha), có một xưởng xử lý rác thải công nghiệp và bệnh viện nguy hại với hai lò đốt công suất nhỏ để đốt rác thải nguy hại.

Chất lượng môi trường không khí nói chung trên địa bàn thành phố đảm bảo các quy chuẩn quy định thông qua việc tổ chức thực hiện các giải pháp khuyến khích áp dụng đổi mới công nghệ, thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, đầu tư công nghệ xử lý hiện đại, kiểm soát vệ sinh môi trường đối với các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng trong đô thị. Trong lĩnh vực giao thông, đô thị, UBND thành phố đã phê duyệt, triển khai các chương trình, dự án về phát triển vận tải công cộng, chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch trong hoạt động giao thông trên toàn thành phố.

Bên cạnh các giải pháp công trình, thành phố đã áp dụng, triển khai nhiều sáng kiến, phong trào, chương trình tuyên truyền, phát động về bảo vệ môi trường với sự tham gia tích cực của người dân, phụ nữ, các hội đoàn thể như: Phong trào Chủ nhật Xanh Sạch đẹp; Đề án thu gom rác theo giờ,…, những hành động này đã góp phần làm thay đổi diện mạo, hình ảnh về môi trường của thành phố.

leftcenterrightdel
 

“Điểm đen” về ô nhiễm...

Trong quá trình thực hiện Đề án, Đà Nẵng cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Vẫn còn nhiều “điểm đen” về ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc đối với người dân như ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn; khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu; KCN Hòa Khánh; Nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc; Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm; Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hay tình trạng nước thải ven biển,...

TP. Đà Nẵng đã lên kế hoạch cho việc di dời bãi rác này với hạn cuối là năm 2019 nhưng vẫn chưa thể thực hiện được đành tiếp tục gia hạn đến năm 2022 cho đến khi xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. 

Vấn đề ô nhiễm tại các khu công nghiệp vẫn là vấn đề làm đau đầu các cấp chính quyền tại Đà Nẵng. Ví dụ cụ thể nhất là việc thành phố phải căng mình tìm các giải pháp giải quyết ô nhiễm tại hai nhà máy sản xuất thép Dana Úc, Dana Ý. Việc hai nhà máy này gây ô nhiễm môi trường về khói bụi và tiếng ồn khiến cho người dân tập trung phản đối dữ dội. Qua nhiều lần đối thoại và tìm phương án giải quyết nhưng TP. Đà Nẵng vẫn không tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người dân. TP. Đà Nẵng đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của nhà máy để khác phục ô nhiễm nhưng sau đó vẫn phải để hai nhà máy này hoạt động trở lại. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây vẫn đang bị để ngỏ.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi biển không những gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn làm ảnh hưởng đến ngành du lịch của thành phố. Sau mỗi cơn mưa lớn, hình ảnh mà người dân và du khách bắt gặp vẫn là việc những ống cống chĩa thẳng ra bờ biển và chảy ồ ạt những dòng nước đen ngòm, hôi tanh. 

Đầu tháng 7/2018, người dân và du khách vô cùng lo lắng bởi sau khi xuống tắm biển tại bãi biển Mỹ Khê họ bắt đầu bị ngứa và nổi mụn đỏ khắp người. Sau khi có phản ánh, Sở TN&MT Đà Nẵng đã lấy mẫu nước biển tại bãi biển Mỹ Khê để quan trắc. Kết quả cho thấy các thông số môi trường cơ bản đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép, các thông số của nước vẫn trong ngưỡng an toàn. Với kết quả quan trắc này, câu hỏi tại sao người dân và du khách tắm biển bị ngứa đang bị bỏ ngỏ và chỉ đặt nghi ngờ là nguyên nhân gây ngứa có thể là do sứa biển gây ra…

Với những giải đang và sẽ được thực hiện, Đà Nẵng tin tưởng rằng đến năm 2019 một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn sẽ được cải thiện đáng kể. Để làm được điều này, các điểm nóng về môi trường  sẽ được phân ra từng giai đoạn để triển khai xử lý.

Để thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, TP.Đà Nẵng đã chia thành 3 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2008-2010, thành phố tập trung  giải quyết một số vấn đề môi trường cấp bách như: Chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí và chất lượng môi trường đất.

Giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về chất lượng nước; kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải nguy hại và thực hiện xử lý hợp vệ sinh; Kiểm soát ô nhiễm không khí; phát triển diện tích không gian xanh đô thị; bảo tồn đa dạng sinh học rừng thành phố…

Còn với giai đoạn 3 (2016-2020) là giai đoạn để TP.Đà Nẵng hoàn thiện các mục tiêu và về đích đạt được các chỉ tiêu về thành phố môi trường. Giai đoạn này, Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu ở giai đoạn 2007-2015, đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường như: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đánh giá và công bố thành phố môi trường sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. 

Bài và ảnh: Xuân Nha