Nợ công Việt Nam dù có nằm trong an toàn cũng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Nợ công Việt Nam ít nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tuy nhiên, một thông tin đáng lưu ý, theo nhiều chuyên gia, nợ công của Việt Nam thậm chí có nằm trong giới hạn an toàn là dưới mức 65% GDP thì vẫn "tiềm ẩn nhiều rủi ro".

Đánh giá của PGS.TS Nguyễn Chí Hải - Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM chỉ ra, tốc độ tăng về nợ công ở Việt Nam đang tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng từ 51,7% năm 2010 lên 60,3% năm 2014.

Sự gia tăng nhanh chóng của nợ công Việt Nam đa phần là do sự thay đổi cơ cấu nợ, nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi từ bên ngoài. Chính phủ chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn, nhất là dựa vào việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính về áp lực trả nợ, thì theo công bố của Bộ Tài chính, “chi phí thanh toán nợ công đã tăng từ 22% tổng thu ngân sách vào năm 2010, lên 26% tổng thu ngân sách năm 2014, chi phí trả lãi vay gần 7,2% chi ngân sách và lấn áp các khoản chi tiêu dùng khác”, trong khi mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong các năm gần đây đã là 5,3%.

Cũng theo nhận định của PGS.TS Hải, điều đáng quan ngại về nợ công ở Việt Nam hiện nay, không chỉ là quy mô và tốc độ gia tăng, hay ngưỡng “an toàn” (<65% GDP, mức trần nợ công theo quy định của Chính phủ) theo cách tính của chúng ta hiện nay, mà là hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người đang ở nhóm nước trung bình thấp. Trong khi chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được cải thiện song vẫn ở mặt bằng thấp và nhiều bất ổn.

Hệ số ICOR đo hiệu quả sử dụng vốn là 5,2 (2014) còn thấp; năng suất  tổng hợp TFP trong tăng trưởng cũng chỉ đóng góp tối đa 1/3 tốc độ tăng GDP; tăng trưởng kinh tế vẫn dựa phần lớn vào yếu tố vốn; năng suất lao động của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 61% mức bình quân của các nước ASEAN (năm 2014); năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng ở mức thấp.

Ngoài ra, cán cân thanh toán trong nền kinh tế, tuy đã được cải thiện trong các năm gần đây, song vẫn còn nhiều bất cập, nhất là thâm hút ngân sách và cơ cấu chi tiêu ngân sách. Quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại, tuy đang được đẩy mạnh, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Trong một diễn biến có liên quan, theo báo cáo thu, chi ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2015, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Chi NSNN tháng 9 diễn biến bình thường, với tổng chi ước đạt 88,85 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thực hiện chi 9 tháng đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014.

Bội chi NSNN tháng 9 ước 27,54 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng ước 140,97 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán năm.

 

Theo Báo đất việt

.