Nợ công tăng nhanh
Cập nhật lúc 11:27, Thứ năm, 07/07/2016 (GMT+7)
Nợ công của Việt Nam đang tăng rất nhanh nên hết sức rủi ro nếu vẫn phải vay trong bối cảnh nguồn ngoại tệ và khả năng trả nợ có hạn (GDP, tăng rất nhanh, ngân sách nhà nước, nợ công)
Nợ công của Việt Nam đang tăng rất nhanh nên hết sức rủi ro nếu vẫn phải vay trong bối cảnh nguồn ngoại tệ và khả năng trả nợ có hạn
Bẵng đi một năm không công khai số liệu về nợ công, đến giữa năm 2016, Bộ Tài chính mới phát hành Bản tin số 4 công khai số liệu nợ công trong cả giai đoạn 2010-2014.
Tăng gấp đôi trong 5 năm
Theo số liệu được công bố, nợ của Chính phủ tính đến năm 2014 ở mức gần 86 tỉ USD (tương đương hơn 1,8 triệu tỉ đồng) và chiếm 46,4% GDP. So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi, từ mức 47 tỉ USD lên 86 tỉ USD. Trong thời gian này, nghĩa vụ trả nợ cũng tăng lên tương ứng. Cụ thể, tổng trả nợ năm 2010 là hơn 4,7 tỉ USD (tương đương 87.000 tỉ đồng) thì năm 2014 tăng lên 12,2 tỉ USD (tương đương hơn 260.000 tỉ đồng).
Trong một báo cáo khác cập nhật đến ngày 31-12-2015, Bộ Tài chính cho biết ước tính nợ Chính phủ đã bằng 50,3% GDP. Như vậy, nợ công tính đến thời điểm cuối năm 2015 đã vượt ngưỡng cho phép 0,3% vì giới hạn trần nợ cho phép đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2011-2015 là không quá 50% GDP.
Đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh, đến năm 2014 là gần 20 tỉ USD. Trong 5 năm gần đây, tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010.
|
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chủ yếu sử dụng vốn vay của nước ngoài Ảnh: Tấn Thạnh |
Trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố vào quý II năm nay, nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam năm 2015 lên đến hơn 418.000 tỉ đồng, bao gồm cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương. Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ rất nhanh nên tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách nhà nước cũng tăng từ mức 22,4% năm 2013 lên 29,9% năm 2015.
Báo cáo của CIEM cũng cho thấy Việt Nam có tỉ lệ nợ công/GDP cao gấp đôi nhiều nước ASEAN, gấp rưỡi Thái Lan và là nước duy nhất có mức nợ công dự báo chiếm 68% GDP vào năm 2020.
Đừng nghĩ vay trong nước là an toàn
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảnh báo có 3 biến số cần lưu ý đối với nợ công của Việt Nam. Đó là tốc độ tăng nhanh, đặc biệt là vay trong nước; lãi suất tăng lên; thời hạn vay ngắn đi. Các biến số này mới là rủi ro của nợ công chứ không phải ngưỡng nợ công chiếm bao nhiêu phần trăm GDP.
Gần đây, Chính phủ chuyển hướng sang vay nợ trong nước, dư nợ vay trong nước tăng gấp 3 lần trong 4 năm. Điều này cho thấy tiếp cận nợ nước ngoài chậm, có thể điều kiện cho vay nghiệt ngã hơn do mức độ tín nhiệm kém đi, lại sắp “tốt nghiệp” ODA.
Bên cạnh đó, Chính phủ tăng nguồn vay trong nước sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp (DN), như vậy sẽ trái với mục tiêu hỗ trợ DN. Hiện nay, DN đã yếu lại phải cạnh tranh vốn với Chính phủ là rất đáng lo ngại. “Vấn đề không phải là hướng nợ vào trong nước mà phải kiểm soát được nợ bằng cách cấu trúc lại chi tiêu ngân sách, tái cấu trúc đầu tư công. Phải căn cứ vào số thu để chi chứ không phải cứ thiếu thì đi vay” - ông Thiên nhấn mạnh.
Quan trọng là khả năng trả nợ
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo không chỉ nhìn vào ngưỡng nợ công/GDP để nhận diện rủi ro vì cách tính nợ công của Việt Nam chưa khớp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, sức chịu đựng của mỗi nền kinh tế rất khác nhau, có quốc gia vay nợ gấp đôi GDP mà vẫn phát triển tốt nhưng cũng có nước chỉ vay bằng nửa GDP đã vỡ nợ. Quan trọng là có khả năng trả nợ hay không, tức là trông vào nguồn trả nợ từ thu ngoại tệ, thuế, khả năng chuyển dịch từ đồng nội tệ sang ngoại tệ khác…Theo chuyên gia này, nợ công của Việt Nam đang tăng rất nhanh nên hết sức rủi ro nếu vẫn tiếp tục phải đi vay trong bối cảnh nguồn ngoại tệ và khả năng trả nợ có giới hạn. |
Theo Người lao động
.