(BVPL) - Người mua nhà gặp vô số rủi ro khi một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư theo kiểu lướt sóng cũng như những công ty đầu cơ dựa vào kẽ hở pháp lý nhằm kinh doanh trục lợi.
 
Thị trường bất động sản chững lại, đầu tư lướt sóng nở rộ
 
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2016 của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HOREA), thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn trong đó có yếu tố thị trường đang bị lệch pha cung cầu, và sự gia tăng trở lại của nhóm đầu cơ lướt sóng.
 
Dẫn lời ông Lê Hoàng Châu hiện là chủ tịch HOREA: “Các dự án chưa đủ điều kiện đã huy động vốn và hiện tượng một số chủ đầu tư lạm dụng  định chế đặt cọc để huy động vốn trước thông qua các hình thức như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hứa mua - hứa bán, hợp đồng vay vốn người mua nhà... đang gia tăng sẽ khiến cho cho người mua nhà gặp nhiều rủi ro”.  
 
Nhập nhèm thị trường bất động sản, tiền chui vào túi nhà đầu tư
 
 
Kẽ hở của lộ trình pháp lý
 
Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, chủ đầu tư dự án BĐS muốn bán căn hộ hình thành trong tương lai thì buộc phải xây dựng xong phần móng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay không ít dự án chưa làm móng nhưng vẫn được mở bán rầm rộ.
 
Đặc điểm chung của các dự án này là khu đất được rào chắn bốn bên với những bảng quảng cáo hoành tráng, hình vẽ về các căn hộ, dự án đẹp lung linh nhưng bên trong chỉ là bãi đất trống. Nhiều dự án sau khi mở bán rầm rộ, chủ đầu tư công bố hầu hết số lượng căn hộ đã có chủ nhưng sau đó dự án lại nằm bất động. 
 
Một số chủ đầu tư còn lợi dụng nhiều hình thức này để “lách luật” vì có trường hợp dù chưa thi công phần móng nhưng đã nhận đặt cọc của khách hàng vượt quá 50% giá trị căn hộ điều này không được pháp luật cho phép.
 
Thị trường BĐS phát triển khiến cuộc cạnh tranh giữa các chủ đầu tư trở nên khốc liệt từ vị trí dự án, tiện ích, giá bán đến thời điểm mở bán. Vì lẽ đó không ít dự án được mở bán dù chưa được triển khai xây dựng phần móng. Song song với vấn đề đó thì hiện nay nguồn vay tín dụng để phát triển bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. chủ đầu tư muốn có nguồn vốn để thực hiện dự án phải tìm cách huy động vốn từ khách hàng, họ buộc phải mở bán khi chưa xây xong phần móng dù biết đó là trái luật. 
 
Mặt khác, hiện nay số lượng dự án ra mắt rất nhiều nên việc mở bán nhanh hay chậm cũng là một yếu tố quyết định đến thành bại của dự án. Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư mở bán dự án này nhưng với mục đích huy động vốn để thực hiện một dự án khác hoặc mục đích khác của chủ đầu tư. 
Dù nguyên nhân thế nào, nhưng thượng đế vẫn là những người nắm lưỡi dao, vốn chứa nhiều rủi ro. 

 

Nhập nhèm thị trường bất động sản, tiền chui vào túi nhà đầu tư
 
 
Nhà đầu tư lắm chiêu nhiều trò, người mua nhà có thực sự thông thái?
 
Nhằm tránh gặp rủi ro, phần lớn các chủ đầu tư rất “kỵ” dùng đến chữ mở bán thay vào đó là hình thức công bố dự án, ra mắt dự án… sau đó cho khách hàng đặt cọc, hợp đồng góp vốn. Có tình trạng trước lúc mở bán chủ đầu tư đưa một số máy móc đến công trường thi công vài ngày nhưng sau đó thì dự án nằm bất động. 
 
Điệp khúc căn hộ bán hết, cháy hàng ngay trong buổi mở bán đầu tiên đang được nhiều chủ đầu tư lạm dụng. Chung tay với chủ đầu tư là một lực lượng không nhỏ giới đầu tư, những người mua đi bán lại để kiếm lời.
 
Theo lời một nhà đầu tư có kinh nghiệm chia sẻ, đa phần các dự án bán chạy, chủ đầu tư thông báo bán hết căn hộ trong buổi mở bán thì giới đầu tư chiếm số lượng lớn. Những người này mua vài căn thậm chí là vài chục căn với những ưu đãi về giá, chiết khấu từ chủ đầu tư. 
 
Sau đó, họ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu để bán lại, hưởng chêch lệch từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng căn. “Muốn đầu tư kiểu này thì cần có dòng vốn ổn định. Nhà đầu tư cũng phải có kiến thức về thị trường, có mối quan hệ với chủ đầu tư. Ngoài ra, các yếu tố như vị trí, chất lượng dự án, tiện ích, ai là chủ đầu tư, khả năng sinh lời… là những vấn đề cốt lõi quyết định lợi nhuận khi bán lại cho người khác”.
 
Trần Như
.