(BVPL) - Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được lao động có kinh nghiệm, trình độ. Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện được...
Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có khả năng mất cân đối thu - chi, Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) từ năm 2017 bắt đầu bội chi. Từ thực tế đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng BHYT.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép bộ này chuyển đổi hơn 22.000 tỷ đồng ngân sách phải chuyển cho Quỹ BHXH thành trái phiếu Chính phủ. Trong đó, năm 2018 chuyển 6.000 tỷ đồng thành trái phiếu, năm 2019 chuyển đổi 6.000 tỷ đồng và năm 2020 chuyển đổi 10.090 tỷ đồng. Vì hiện Quỹ BHXH cũng đầu tư lớn vào trái phiếu, nên việc chuyển đổi trên tương tự việc quỹ này mua trái phiếu. Trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chuyển đổi 324.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước vay Quỹ BHXH sang hình thức trái phiếu Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất mức độ, đối tượng, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp thực tế Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Do Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, lao động trẻ sẽ thiếu trong tương lai; thực tế nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu và sức khỏe để làm việc thêm. Ngoài ra, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được lao động có kinh nghiệm, trình độ. “Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện được”, Bộ Tài chính phân tích.
Trả lời về kiến nghị của cử tri về việc cần phải tìm giải pháp, tăng thu để giảm nguy cơ vỡ quỹ BHXH, BHXH Việt Nam cũng đề ra mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, mở rộng đối tượng tham gia BHXHH.
Tính đến hết tháng 3/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,1 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 235 nghìn người, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016. Số người tham gia BH thất nghiệp là 11,2 triệu người, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016; BH y tế là hơn 76 triệu người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82% dân số (vượt 2% so với mục tiêu đến năm 2020 của Nghị quyết 21-NQ/TW).
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng xác định mục tiêu đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã và đang thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động của ngành. Trong đó tập trung vào hai dự án trọng tâm gồm dự án xây dựng Hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc; và Dự án xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT.
Khi hai dự án này được triển khai một cách đồng bộ sẽ tạo thuận lợi trong giao dịch BHXH cho người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Cũng theo Tiền phong, đánh giá về BHYT, dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng, hiện đối tượng tham gia BHYT đã vượt 77,8 triệu người, bằng 83,2% dân số. Hết năm 2016, Quỹ BHYT kết dư hơn 49.900 tỷ đồng, nhưng từ năm 2017 sẽ bội chi lớn (năm 2017 bội chi 11.300 tỷ đồng, tới năm 2020 bội chi khoảng 28.000 tỷ đồng). Số bội chi này chủ yếu do tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Từ các phân tích này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục giữ ổn định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHYT từ nay tới năm 2020. Đồng thời, Chính phủ cần giao Bộ Y tế lồng ghép, loại bỏ các chính sách, chế độ chăm sóc y tế toàn dân chồng chéo, không hiệu quả...
Đặc biệt, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT, để đảm bảo đủ nguồn kinh phí phục vụ việc khám chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm mức đóng với một số loại bảo hiểm. Cụ thể, Chính phủ đã quyết định giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống 0,5% lương tháng, áp dụng từ 1/6/2017; trình Quốc hội giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5% lương tháng.
Trước đó, theo nội dung Tờ trình Quốc hội của Chính phủ, Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nên số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, năm 2015 đã tăng 11,8% so với năm 2014, năm 2016 tăng 7,3% so với năm 2015 và vẫn có xu hướng tăng nhưng tỉ lệ tăng sẽ không cao ở những năm tiếp theo. Kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp lớn nên năm 2015, 2016 và một số năm tiếp theo, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà tổng thu Bảo hiểm thất nghiệp trong năm chỉ bao gồm phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.
Theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn 2 lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề.
Ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2016 là 56.486 tỉ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.
Như vậy, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp thì việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là điều cần thiết.
Duy Minh