Lượng giao dịch bất động sản giảm đáng kể
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2017, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ 31,3%, phân khúc căn hộ trung cấp chiếm tỷ lệ 31,1%, phân khúc căn hộ bình dân chiếm 37,6%. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2018, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ 41%, phân khúc căn hộ trung cấp chiếm 34%, phân khúc căn hộ bình dân chiếm 19,9%.
Phân khúc căn hộ cao cấp đưa vào thị trường 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có gần 4000 căn so với 5200 căn hộ 6 tháng đầu năm 2017, phân khúc căn hộ trung cấp đưa vào thị trường khoảng 3700 căn so với khoảng 5600 căn, phân khúc căn hộ bình dân đưa vào thị trường 1914 căn so với 6000 căn. Sở dĩ, lượng giao dịch giảm là do các nhà đầu tư, người mua nhà đang căng mình chờ đợi nghe ngóng và cảnh giác trước thời điểm bên lề của chu kỳ khủng hoảng.
Mặt khác, sự việc cháy chung cư Carina đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm lý nhà đầu tư và người có nhu cầu về nhà ở thực sự. Ở thời điểm này trong một ngày nhiều công ty BĐS không có bất kỳ một giao dịch nào về căn hộ.
Nhu cầu về căn hộ bình dân và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp có nhu cầu rất lớn, tuy nhiên nguồn cung lại khan hiếm trong khi đó đây là phân khúc chiếm lượng giao dịch rất lớn ở những năm trước. Hai năm trước, người dân tiếp cận và mua nhà ở xã hội dễ dàng hơn. Một số quận, huyện vùng ven người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà cửa có tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng giao dịch BĐS trên địa bàn thành phố nguồn cung giảm 60% so với cùng kỳ do quỹ đất khan hiếm, thủ tục ngày càng chặt chẽ trong khi nguồn cầu rất cao… Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản khó xảy ra khủng hoảng trong thời gian tới.
Khó xảy ra khủng hoảng bất động sản
Năm 2019 rơi vào đúng chu kỳ 10 năm của lần khủng hoảng trước đó (lĩnh vực kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng), tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ này khó lập lại, nhất là thị trường bất động sản.
Theo ông Phan Trường Sơn đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, khả năng “bong bóng bất động sản” là rất khó xảy ra. “Việc này đã được Chính phủ, chính quyền các địa phương có những biện pháp rất cụ thể, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đã khảo sát thị trường rất cụ thể” ông Trường Sơn cho biết.
|
|
Hội thảo về chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản tại TP. HCM. |
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Lệnh - Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đạt 7,5% trong khi cả nước tăng 7,8%. Trong đó, cơ cấu tín dụng trung dài hạn chiếm 53%, còn lại là cho vay ngắn hạn. Dư nợ cho vay bất động của các ngân hàng trên địa bàn chiếm 10% tổng tín dụng trong khi cả nước, tỷ lệ này chiếm từ 7-8%. Đây là tỷ lệ nằm trong ngưỡng an toàn theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm tăng trưởng tín dụng nhưng cơ bản vẫn hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Việc khuyến nghị các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào bất động sản không những giúp ngân hàng phát triển bền vững mà cả thị trường bất động sản cũng ổn định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng bong đóng BĐS chỉ xảy ra khi hội đủ một số điều kiện. Thứ nhất là kinh tế phát triển nóng, dễ kiếm tiền và ai cũng muốn tìm nơi trú ẩn cho đồng tiền của mình. Nhưng kinh tế thế giới hiện nay không nóng và kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Tăng trưởng tín dụng năm 2017 chỉ hơn 6% trong khi năm 2009 tăng gần 9%. Thứ hai là có sự buông lỏng về chính sách tín dụng. Trong đợt khủng hoảng 2006 - 2007, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam lên 37,8%. Hiện nay không có chuyện buông lỏng tín dụng, không có chuyện ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Thứ ba là lệch pha cung cầu là có nhưng chưa đến mức độ phá vỡ sự cân bằng trên thị trường bất động sản. Thứ tư, có sự gia tăng của nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ, thậm chí 80-90% là những nhà đầu tư mua đi bán lại ở phân khúc đất nền và condotel nhưng cũng chưa đủ để tạo nên bong bóng thị trường bất động sản.
“Nhà nước đã đưa ra các công cụ điều chỉnh thị trường rất rõ. Vì vậy không thể có bong bóng xảy ra. Bản thân Nhà nước, nhà băng, người tiêu dùng đều thông minh hơn. Vì vậy không thể có bong bóng bất động sản trong năm 2018. Và với sự điều hành của Chính phủ hiện nay cũng chưa có bong bóng bất động sản trong năm 2019”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land, BĐS là nhu cầu thiết yếu của người dân và vẫn tăng đều mỗi năm. Doanh nghiệp không có khái niệm bong bóng hay khủng hoảng hay là đóng băng mà chỉ có trầm lắng so với trước… Hiện nay nhu cầu người tiêu dùng càng gia tăng, không chỉ là căn nhà mà là môi trường sống. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho cảnh quan, tiện ích xung quanh như trường học, bệnh viện và có thể chiếm đến 40-50% giá thành sản phẩm.
Đình Quân – Nguyễn Lánh