Kinh tế thế giới đang đối mặt với làn sóng giảm phát thứ ba
Cập nhật lúc 15:42, Thứ hai, 07/09/2015 (GMT+7)
Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với làn sóng giảm phát thứ ba trong vòng chưa đầy một thập niên. Làn sóng giảm phát đầu tiên là cuộc khủng hoảng nhà đất và tài chính bắt nguồn từ Mỹ hồi năm 2008-2009; làn sóng thứ hai là cuộc khủng hoảng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) năm 2011-2012, và giờ đây là làn sóng thứ ba, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi. (giảm phát, kinh tế thế giới, tài chính, khủng hoảng)
Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với làn sóng giảm phát thứ ba trong vòng chưa đầy một thập niên. Làn sóng giảm phát đầu tiên là cuộc khủng hoảng nhà đất và tài chính bắt nguồn từ Mỹ hồi năm 2008-2009; làn sóng thứ hai là cuộc khủng hoảng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) năm 2011-2012, và giờ đây là làn sóng thứ ba, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi.
Giới phân tích cho rằng với cuộc khủng hoảng lần này, hoạt động kinh tế trên toàn cầu sẽ khó tránh khỏi giảm sút.
Cuộc khủng hoảng các thị trường mới nổi lần này mang nhiều đặc điểm của các cuộc khủng hoảng trước đây, thường bắt đầu từ các thị trường ngoại hối, sau đó lan sang các thị trường khác.
Theo các nhà phân tích, giá chứng khoán trên các thị trường mới nổi có thể chạm đáy trong vài tháng tới. Những bài học trong quá khứ cho chúng ta kinh nghiệm rằng các thị trường phải mất nhiều năm thiếu vốn trước khi có thể khôi phục. Các thị trường mới nổi sẽ chưa thể sớm có được giai đoạn lên giá mới và giai đoạn 2002-2007 vẫn là một "kỷ nguyên vàng."
Tuy vậy, tác động của cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi lần này khác đôi chút so với các lần khủng hoảng trước. Cuộc khủng hoảng hồi năm 1997 đã dẫn tới một cú sốc về giá, khi đó đẩy mức thu nhập và tiêu dùng thực của các nước phát triển tăng lên.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi sẽ tạo ra một cú sốc cả về giá lẫn về lượng, do các nền kinh tế mới nổi giờ đây đóng góp một tỷ trọng lớn hơn vào GDP toàn cầu cũng như trong các công ty trên toàn thế giới.
Cú sốc về lượng bắt nguồn từ làn sóng giảm phát thứ ba này được thể hiện qua các số liệu về hoạt động thương mại giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh mới đây đưa ra đánh giá rằng việc điều chỉnh giảm giá tiền tệ không những không thể kích thích xuất khẩu mà lại còn hạn chế hoạt động nhập khẩu. Xét tổng thể, các động thái giảm giá tiền tệ đang góp phần làm giảm đáng kể hoạt động thương mại trên toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi đối với các quốc gia phát triển sẽ không mấy tích cực. Những nguy cơ này sẽ được nhìn nhận một cách rõ ràng hơn sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban Thị trường mở thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào giữa tháng Chín.
Dù sao, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ chưa cảm nhận ngay được những ảnh hưởng của làn sóng giảm phát thứ ba. Nhìn toàn cục, làn sóng giảm phát thứ ba đồng nghĩa rằng GDP sẽ tiếp tục ở dưới mức tiềm năng. Sức ép lên giá cả sẽ vẫn dai dẳng và khả năng hoạt động kinh tế toàn cầu sụt giảm là khó tránh khỏi./.
Theo vietnam+
.