Hai nhà thầu "ngã ngựa" tại gói thầu hơn 162 tỉ vì không chứng minh được nguồn cung vật liệu

Đà Nẵng vừa công bố kết quả chọn nhà thầu thi công kè chống sạt lở khẩn cấp hơn 162 tỉ đồng, trong đó hai đơn vị bị loại vì không chứng minh được nguồn cung vật liệu.

Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu thi công kè chống sạt lở khẩn cấp tại các tuyến sông xung yếu. Gói thầu có giá hơn 162 tỉ đồng và thu hút sự tham gia của 4 nhà thầu. Kết quả, liên danh giữa Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khánh Anh (Công ty Khánh Anh) cùng Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (Phát triển nông thôn Hải Dương) đã trúng thầu với giá 157,3 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Công ty Khánh Anh nằm trong liên danh trúng gói thầu 162 tỉ ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có hai nhà thầu bị loại ngay từ vòng đánh giá kỹ thuật do không chứng minh được khả năng cung ứng vật liệu thi công – một yêu cầu cơ bản, mang tính then chốt của gói thầu. Điều này càng gây chú ý trong điều kiện hiện nay khi thị trường vật liệu xây dựng tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang rất khan hiếm.

Theo tổ chuyên gia, liên danh Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Thanh Hóa – Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình và nhà thầu độc lập Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đều không chứng minh được năng lực cung ứng đá hộc đúng tiến độ và khối lượng hơn 145.000m³ như yêu cầu.

Hồ sơ của liên danh Nông nghiệp Thanh Hóa – Thới Bình chỉ đính kèm hợp đồng nguyên tắc với các mỏ đá tại Hương Trà (TP Huế), nhưng thiếu phương án cụ thể về vận chuyển và tổ chức thi công. Mỏ Việt Nhật còn từ chối xác nhận do đã ký hợp đồng với đối tác khác, trong khi mỏ COXANO Hương Thọ chưa có hồ sơ khai thác đầy đủ.

Với Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, đơn vị này đề xuất sử dụng mỏ đá Hưng Long (Quảng Nam) có công suất khai thác dự kiến 200.000m³/năm. Tuy nhiên, mỏ cách công trình tới 100 km và hồ sơ không làm rõ phương án vận chuyển. Năng lực thực hiện của Lũng Lô số 8 – đơn vị được giao thực hiện – cũng không được chứng minh rõ ràng. Đoàn kiểm tra hiện trường xác nhận hồ sơ thiếu cơ sở để đánh giá tính khả thi về tiến độ và chất lượng vật liệu.

Thực tế này phản ánh phần nào sự khó khăn mà các nhà thầu đang phải đối mặt, trong bối cảnh vật liệu xây dựng trở thành “nút thắt” không dễ tháo gỡ. Liên danh Công ty Khánh Anh và Công ty Phát triển nông thôn Hải Dương được công bố trúng thầu cho thấy liên danh này đã tìm được nguồn cung lớn, đạt chuẩn về đá hộc để phục vụ cho gói thầu.

Về việc liên danh Khánh Anh – Phát triển nông thôn Hải Dương vượt qua hai nhà thầu còn lại nhờ chứng minh được khả năng cung cấp vật liệu đá hộc, Báo Bảo vệ pháp luật đang tiếp tục tìm hiểu. Bởi thực tế, vật liệu xây dựng, nhất là đá hộc tại TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, đang rất khan hiếm.

Căng thẳng vật liệu xây dựng tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng, giá tăng, nguồn cung khan hiếm

Không chỉ ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng đang gây sức ép lớn lên toàn bộ thị trường xây dựng khu vực miền Trung. Từ đầu năm 2025 đến nay, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam liên tục ghi nhận hiện tượng khan hiếm cát, đá, đất san lấp, khiến giá vật liệu leo thang.

leftcenterrightdel
 Từ đầu năm 2025 đến nay, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam liên tục ghi nhận hiện tượng khan hiếm cát, đá, đất san lấp, khiến giá vật liệu leo thang.

Khảo sát thực tế cho thấy, giá cát xây dựng ở TP Đà Nẵng dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/m³, tùy loại. Một số đại lý thậm chí không có hàng để bán, đặc biệt là cát tô. Nhiều đại lý thừa nhận phải “báo trước” nếu muốn mua số lượng lớn, do nguồn cung chỉ còn từ hàng tồn bãi.

Tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) – nơi được xem là “thủ phủ cát xây dựng” của khu vực – chỉ còn một mỏ hoạt động bình thường, một mỏ khác đang tạm ngưng do tranh chấp. Điều này khiến toàn bộ nguồn cung từ Quảng Nam sang TP Đà Nẵng bị siết chặt, đẩy giá lên cao mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cụ thể, một xe cát lớn khoảng 17m³ từ Đại Lộc về TP Đà Nẵng có giá đến 7,3 triệu đồng. Bán lẻ tại công trình dao động từ 440 ngàn đến gần 500 ngàn đồng/m³, cao hơn 30% so với giá được cơ quan quản lý công bố. Ngoài ra, giá bê tông tươi, đá xây dựng cũng tăng đồng loạt, khiến nhiều nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch tài chính hoặc chấp nhận chịu lỗ với các hạng mục có định mức cố định.

Để đảm bảo cung ứng vật liệu cho các công trình trọng điểm, mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản – đơn vị khai thác mỏ đá tại xã Hòa Sơn. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Trường Bản cung cấp toàn bộ vật liệu khai thác cho công trình cao tốc Hòa Liên – Túy Loan và các dự án trọng điểm của TP. Đây là một trong các biện pháp nhằm gỡ khó cho chuỗi cung ứng và đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công.

Phía Quảng Nam cũng đang khẩn trương xử lý các thủ tục pháp lý để đưa thêm mỏ mới vào khai thác. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan thẩm định công suất, thời hạn hoạt động, đánh giá tác động môi trường và đẩy nhanh tiến trình phê duyệt đầu tư. Đồng thời, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cũng đã công bố quyết định thanh tra chuyên đề về quản lý khoáng sản trên toàn địa bàn nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, đấu giá quyền sử dụng mỏ và kiểm soát chặt các nghĩa vụ tài chính từ hoạt động khai thác vật liệu xây dựng.

Công ty trúng gói thầu 162 tỉ tại Đà Nẵng từng bị cấm thầu do gian lận

Về Công ty Khánh Anh, trước đó Báo Bảo vệ pháp luật đã có bài phản ánh về việc công ty này từng bị cấm tham gia đấu thầu vì gian lận hồ sơ nhân sự tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), nhưng vẫn đều đặn trúng các dự án có giá trị lớn tại nhiều địa phương.

Tại Công văn số 308/CV-CSKT ngày 9/5/2023, Công an tỉnh Khánh Hòa xác định Công ty Khánh Anh đã có hành vi gian lận về hồ sơ nhân sự trong hồ sơ dự thầu gói thầu thi công xây lắp dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Cái (xã Cầu Bà - Liên Sang), có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu.

leftcenterrightdel
 Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam mà Công ty Khánh An trúng thầu. (Ảnh chụp cuối năm 2024).

Từ công văn này, tháng 6/2023, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh ban hành Quyết định số 2165/QĐ-UBND, cấm Công ty Khánh Anh tham gia đấu thầu trong phạm vi huyện trong vòng 3 năm do hành vi gian lận hồ sơ nhân sự.

Mặc dù bị cấm thầu tại huyện Khánh Vĩnh nhưng công ty này liên tục trúng các gói thầu lớn tại nhiều địa phương. Theo dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ năm 2016 đến tháng 1/2025, doanh nghiệp này đã tham gia 135 gói thầu, trúng 67 gói, trượt 65 gói và 3 gói chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu hơn 2.270 tỉ đồng, trong đó vai trò độc lập đạt hơn 1.682 tỉ đồng và liên danh gần 587 tỉ đồng.

Tại Khánh Hòa, cuối năm 2023, công ty này trúng thầu dự án đê kè chống xói lở hai bờ sông, lạch cầu treo và khơi thông dòng chảy tại huyện Ninh Hòa, với giá trị 71,186 tỉ đồng, mức tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 583 ngàn đồng. Tại Quảng Nam, công ty liên tục trúng các gói thầu như: Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành trị giá 68 tỉ đồng; dự án sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường do Sở Giao thông Vận tải tỉnh làm chủ đầu tư với giá trị gần 13 tỉ đồng.

Tại Đà Nẵng, trước khi được công bố trúng gói thầu thi công kè chống sạt lở khẩn cấp tại các tuyến sông xung yếu với giá trúng thầu 157,3 tỉ đồng, công ty này đã bị loại khỏi một gói thầu gần 42 tỉ đồng tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng vì không đạt tiêu chí về uy tín do đang trong thời gian bị cấm thầu tại huyện Khánh Vĩnh.

Xuân Nha