Lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè có "buông lỏng quản lý" ?

Thời gian vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh công bố các kết luận thanh tra về các sai phạm của một số dự án trên địa bàn huyện Nhà Bè như: dự án Khu nhà ở Tân An Huy do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy làm chủ đầu tư, dự án Khu dân cư Nhơn Đức do Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư, các chủ đầu tư có nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng đất (SDĐ) và thực hiện dự án. Bên cạnh đó sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng nhiều cơ quan chức năng của thành phố như Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Xây dựng…

Tuy nhiên, hàng loạt các khu dân cư tự phát phân lô, bán nền trên địa bàn các xã: Như khu dân cư tại Đền Nhơn Đức, xã Nhơn Đức, khu dân cư bên cạnh Công ty điện lực Duyên Hải, khu dân cư tại Cầu Rạch Tôm; xã Long Thới gồm các dự án như khu dân cư tại hẻm 274, khu dân cư tại hẻm 512 đường Nguyễn Văn Tạo… Những khu dân cư tự phát này đang tồn tại như muốn thách thức pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý?

leftcenterrightdel
Bản đồ phân lô, nền tự phát của các khu dân cư tự phát tại Nhà Bè. 

Theo Luật sư Trương Minh Tùy, Công ty TNHH Đại Việt Luật thuộc đoàn luật sư TP HCM cho biết “theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản (khoản 2, Điều 5) các dự án bất động sản hình thành trong tương lại được đưa vào kinh doanh khi đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trường hợp các dự án mà doanh nghiệp hoặc người dân tự phân lô, bán nền trên doanh nghĩa các dự án khu dân cư và bán các sản phẩm này khi không đủ điều kiện đã vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bất động sản”.

Mới đây, cơ quan báo chí đã phanh phui một "đường dây" cán bộ, nguyên cán bộ tại huyện Nhà Bè chuyên hướng dẫn “bùa phép” xây dựng, sửa chữa nhà trái phép ... Trước những phản ánh của các cơ quan báo chí, đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết bước đầu kiểm tra thông tin thì phản ánh của cơ quan báo chí là đúng và đã xử lý kỷ luật một số cán bộ, nguyên cán bộ phòng quản lý Đô thị huyện Nhà Bè.

Từ vụ việc về sự tiếp tay của một số cán bộ huyện Nhà Bè lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, dư luận đặt ra câu hỏi liệu có hay không việc buông lỏng quản lý của một số cán bộ huyện Nhà Bè, có hay không đường dây “bảo kê” cho các công trình sai phạm này như dư luận lo lắng? Không hiểu bằng cách nào mà các dự án khu dân cư tự phát, phân lô, bán nền mà Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh vẫn ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài? Theo một nhân viên môi giới kinh doanh bất động sản (BĐS) thì đa số khu dân cư tự phát, phân lô, bán nền đều nhắc tới một nhân vật được cho là đại gia biệt danh S (nghèo) vị đại gia này là người có “máu mặt” trong giới kinh doanh BĐS, trước đây cũng công tác tại huyện Nhà Bè.

Hiện nay tại huyện Nhà Bè có rất nhiều khu dân cư tự phát, phân lô bán nền với quy mô hoành tráng và được đầu tư xây dựng của các dự án rất bài bản, nhiều khu dân cư tự phát này từ vài chục nền đất có khi lên tới 400, 500 nền đất tuỳ khu vực, đã âm thầm được xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng UBND huyện Nhà Bè lại không nắm bắt được thông tin về việc thực hiện thi công đó. Tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” đang hiện rõ trên địa bàn huyện Nhà Bè. Trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng nào khi để hàng loạt các khu dân cư tự phát, dự án tự phát vẫn hàng ngày vô tư xây dựng, giao dịch như muốn thách thức dư luận, pháp luật?.

 Các dự án, khu dân cư tự phát nêu trên trong quá trình chuyển nhượng cho khách hàng thì Công ty đứng ra giao dịch mua bán có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước hay không? Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, tổng số giao dịch ở các khu nêu trên ước tính lên tới hàng nghìn giao dịch với số tiền mỗi giao dịch khoảng 1-2 tỉ đồng tùy theo diện tích.

Song song với quá trình mua bán thì chủ đất ở các dự án, khu dân cư cũng đang tiến hành chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư và đang trong thời gian cấp sổ đỏ. Việc thực hiện giao dịch đất nông nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi sang đất thổ cư có thể mang lại rủi ro rất cao đối với khách hàng, làm ảnh hưởng đến việc quản lý và trật tự xã hội tại địa phương.

leftcenterrightdel
Khu dân cư được làm đường và phân lô nền tự phát. 

Người đầu tư bất động sản có nguy cơ “tiền mất tật mang” ?

Nhiều khu dân cư tự phát tại huyện Nhà Bè được gắn những cái tên rất kêu: Khu dân cư Nguyễn Bình ven sông, Khu dân cư Chợ Bà Chòi, khu dân cư Cầu Rạch Tôm, Khu dân cư 274 Nguyễn Văn Tạo, Khu dân cư hẻm 512 Nguyễn Văn Tạo, Khu dân cư Đình Nhơn Đức, Khu dân cư Điện Lực Duyên Hải 1… còn rất nhiều khu dân cư tự phát đã và đang triển khai làm hạ tầng và triển khai giao dịch mua bán trên địa bàn huyện Nhà Bè với hình thức đặt cọc mua bán giấy tờ tay điều này sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho người mua khi xảy ra tranh chấp việc mua bán sản phẩm khi chưa đầy đủ pháp lý.

Cũng theo Luật sư Trương Minh Tùy thuộc đoàn luật sư TP HCM khuyến cáo: “Theo quy định của luật đất đai, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải công chứng, chứng thực. Nếu hợp đồng chỉ ký giấy tay thì không có hiệu lực và không được pháp luật công nhận. Cho nên, việc mua bán nhà đất được thực hiện dưới hình thức hợp đồng giấy tay và không thực hiện công chứng, chứng thực sẽ đem lại rất nhiều rủi ro cho người mua nhà đất và cả những người thứ ba ngay tình. Trên thực tế, nhiều người khi đã ký kết hợp đồng giấy tay và không công chứng để bán nhà cho bên mua, sau khi hai bên đã nhận tiền và giao nhà, bên bán có thể tiếp tục tiến hành giao dịch với người thứ 3, chiếm đoạt tiền đặt cọc người mua nhà đất”.

Một số đối tượng đánh vào tâm lý của người đầu tư là giá rẻ, lợi nhuận cao. Do vậy, tốt nhất là người dân có nhu cầu mua đất nền thì cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Pháp luật không cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng lô nền đất mà chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng theo dự án đã được phê duyệt, cho nên khi mua cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án như quyết định giao đất, phê duyệt dự án, phê duyệt 1/500 để kiểm tra xem dự án có tồn tại trên thực tế không? Dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa vì theo quy định chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với các khu dân cư hiện nay trên địa bàn huyện Nhà Bè đều có dấu hiệu sai phạm trong việc tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng, có dấu hiệu trốn thuế với số tiền giao dịch lớn, mua bán có dấu hiệu vi phạm pháp luật về luật kinh doanh bất động sản (khi sản phẩm chưa đủ điều kiện như chưa chuyển mục đích sử dụng, chưa tách sổ riêng từng nền, hệ thống hạ tầng xây dựng không có giấy phép, đấu nối khu dân cư vào hệ thống đường do chính quyền quản lý chưa xin phép….)

Những hình thức kinh doanh bất động sản như vậy có dấu hiệu lách luật khi không thực hiện theo các qui định của pháp luật đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản, làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương khi xảy ra các tranh chấp trong quá trình giao dịch, mua bán đất nền trong các khu dân cư tự phát.

Mới đây ngày 19/3 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Anh Đức (39 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Vincomreal (gọi tắt là Công ty Vincomreal, trụ sở TP HCM), để điều tra làm rõ về hành vi trốn thuế.

Thiết nghĩ, Cơ quan chức năng cần sớm thanh tra toàn diện các dự án khu dân cư tự phát trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP HCM,  nhằm làm rõ những thông tin phản ánh "có hay không tình trạng buông lỏng quản lý, bao che cho những dấu hiệu sai phạm nêu trên"?.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

 
 Thanh tra tình trạng phân lô, bán nền tại 3 tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng. Theo đó, đợt thanh tra được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành trong 30 ngày nhằm làm rõ tình trạng phân lô, bán nền tại các tỉnh trên. Theo quyết định, Đoàn thanh tra sẽ đánh giá công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực đất đai. Qua đó, phát hiện các tồn tại, bất cập về cơ chế chính sách để kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tế.

 

Nhóm PV