Theo Bộ GTVT, cả 12/12 dự án triển khai tại Thủ đô đối mặt với nguy cơ “lụt” tiến độ, trong đó có 4 dự án ở tình trạng khẩn nguy. Nguyên nhân là do TP Hà Nội chậm trễ bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thực hiện dự án.
 
 
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (BOT), đây là Dự án đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, 6 làn xe, dài 105,5km với tổng mức đầu tư tạm ghi là 24.566 tỷ đồng (nguồn vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư và vốn vay) thực hiện theo hình thức BOT.
 
Tuy nhiên, hiện việc thi công dự án đang vướng mặt bằng của 17 hộ đất thổ cư thuộc phường Thạch Bàn, 3 hộ đất nông nghiệp (quận Long Biên), 2 công trình kỹ thuật chưa di chuyển là đường điện và đường ống cấp nước sạch, 11 vị trí đường điện trung thế và hạ thế và 5 vị trí đường ống cấp nước và một số đường viễn thông giao cắt với đường cao tốc chưa được di chuyển (huyện Gia Lâm).
 
Tuyến đường sắt đô thị số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km với tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng (vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam), dự kiến hoàn thành chạy thử vào tháng 3/2015 và chạy tàu thương mại vào tháng 6/2013. Dự án đang trong tình trạng khẩn nguy do vướng mặt bằng ở các quận Đống Đa, Hà Đông, chưa có phê duyệt quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực 47 Cát Linh và nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh và các hạ tầng công cộng.
 
Quá nhiều hệ quả từ việc chậm mặt bằng
 
Trước tình hình thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm nói trên, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đến những khó khăn và tồn tại trong GPMB trên địa bàn TP Hà Nội.
 
“Việc bàn giao mặt bằng sạch chậm trễ gây ra nhiều vấn đề lớn và ảnh hưởng xấu tới dự án. Bởi, thiếu mặt bằng khiến thời gian thi công kéo dài, tiến độ bàn giao bị gián đoạn, chi phí cho tư vấn giám sát tăng, đặc biệt là không thể đưa ra thời hạn cụ thể để khẳng định kết thúc dự án. Với dự án sử dụng vốn vay ODA sẽ ảnh hưởng tới thời gian vay - trả và hiệu quả sử dụng vốn.
 
Vừa không GPMB được, vừa không có vốn đối ứng thì sẽ không tiếp nhận được vốn ODA, trong khi đó các nhà thầu quốc tế đòi hỗ trợ các chi phí kéo dài thời gian. Mới đây nhất, nhà thầu xây dựng dự án cầu Nhật Tân đã có kiến nghị thanh toán chi phí phát sinh mà nguyên nhân là do thiếu mặt bằng xây dựng khiến họ phải duy trì trên công trường vượt quá thời gian ký kết hợp đồng, Bộ GTVT cũng đã có sự tiếp nhận và cam kết giải quyết vấn đề này của đối tác nước ngoài…” - ông Sanh cho hay.
 
Ông Trần Xuân Sanh khẳng định, nếu Hà Nội không quyết liệt hơn và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương nhằm sớm giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch thì việc tổ chức thi công các dự án thì các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn sẽ rất khó khăn, dự án không thể kết thúc, không thể thông tuyến, chi phí tiếp tục tăng cao và làm giảm hiệu quả khai thác dự án.
 
Theo Quỳnh Anh
Dân trí