leftcenterrightdel
 Nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai tại Hà Nội sẽ bị chấm dứt hoạt động. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Nhằm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau kết quả giám sát chuyên đề mới đây của HĐND thành phố, các ngành chức năng đã tập trung rà soát, kiểm tra và đưa ra những biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai.

Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát 39 dự án dừng triển khai, chấm dứt hoạt động. Theo đó, thành phố chỉ đạo việc chấm dứt hoạt động của các dự án phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Mỗi dự án bị chấm dứt hoạt động phải được lập thành hồ sơ xử lý riêng (bao gồm đầy đủ các văn bản pháp lý có liên quan, đảm bảo tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục được pháp luật quy định) và phải được quản lý, lưu trữ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở có trách nhiệm gửi văn bản chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đến các cơ quan có liên quan để tổ chức xử lý các thủ tục khác (nếu có) theo thẩm quyền và quy định.

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (sử dụng đất không đúng mục đích, chậm tiến độ...) hoặc ban hành văn bản xử lý chuyên ngành (về quy hoạch, xây dựng...) phải được các cơ quan quản lý Nhà nước khác chủ động thực hiện theo đúng điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đã được pháp luật chuyên ngành quy định và phải được gửi về Sở để xử lý, tổng hợp, quản lý, lưu trữ chung cùng với các dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư. Các dự án bị chấm dứt hoạt động, bị thu hồi đất đều phải được công bố công khai sau khi hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định.

Trong 39 dự án này, UBND thành phố đã phân loại và chỉ đạo riêng đối với từng nhóm. Cụ thể, đối với nhóm 16 dự án đã thực hiện chấm dứt hoạt động, Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố công khai và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thực hiện các thủ tục xử lý khác có liên quan (nếu có).

Tại nhóm 4 dự án đã chấm dứt hoạt động đối với nhà đầu tư cũ, sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới để triển khai thực hiện dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; là đầu mối đôn đốc nhà đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục triển khai dự án mới; theo dõi, báo cáo đề xuất việc xử lý nếu các đơn vị chậm triển khai.

Đối với nhóm 14 dự án chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động, Sở hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động, hoàn thành trước ngày 30/9/2018. Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có liên quan có trách nhiệm chủ động rà soát, kiểm tra, thực hiện thủ tục xử lý khác (nếu có).

Đối với nhóm 5 dự án cần tiếp tục rà soát, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan kiểm tra, đề xuất xử lý dứt điểm theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐND thành phố tại Thông báo số 18/TB-HĐND ngày 16/8/2018, báo cáo UBND thành phố.

Kết quả giám sát chuyên đề gần đây của HĐND thành phố Hà Nội đối với 8 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã đã chỉ rõ, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, những hạn chế này cần phải được HĐND thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân.

Đồng thời, đề ra giải pháp lộ trình khắc phục, sử dụng hiệu quả đất đai. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, chủ đầu tư đang được giao triển khai các dự án sử dụng đất cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng để góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch, chiến lược đề ra.

Giai đoạn 2012 - 2017, thành phố Hà Nội quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án trên diện tích 4.082 ha. Trong đó, thành phố chấp thuận triển khai 634 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 161 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, chiếm tỷ lệ 23,1% với hình thức và mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, theo tổng hợp của HĐND thành phố Hà Nội tổng hợp từ 30 quận, huyện, con số này là 383 dự án, tập trung ở: Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án)…, chênh lệch lớn so với số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chỉ ra trong các dự án bị nêu tên, có những dự án chậm triển khai đến hàng chục năm, các đại biểu HĐND thành phố đề nghị các sở, ngành thành phố làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, trách nhiệm cũng như phương án xử lý, khắc phục trong thời gian tới...

Minh Nghĩa (TTXVN)