Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện giá điện bình quân là gần 6 cent (khoảng 1.236 đồng/kWh) thấp hơn giá vận hành có lãi của EVN. Vì vậy, đến năm 2020, giá điện phải tiến tới mức giá trung bình 8 - 9 cent/KWh (1.648 - 1.854 đồng/KWh). Tuy nhiên, tăng lúc nào thì phải tính toán cho phù hợp.

 
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã giải đáp những thắc mắc về giá điện và các vấn đề xung quanh sơ đồ điện VII vừa được công bố chiều 3/8.

Trong sơ đồ điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 - PV), vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, có nguồn từ trái phiếu Chính phủ và Cổ phần hóa, nhưng hiện các cách huy động này không hiệu quả. Vậy theo ông nguồn vốn để thực hiện sơ đồ này có khả thi không?

Như chúng ta biết, giá điện mặc dù được điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn mức giá ngành điện có thể vận hành có lãi. Năm 2010 là khó khăn. Lỗ sản xuất kinh doanh EVN là 8.185 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay vẫn lỗ 3.500 tỷ đồng. Hiện nay, EVN vẫn nợ gần 10.000 tỷ đồng từ Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN).

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng

 

Kinh doanh lỗ khiến cho các đơn vị sản xuất điện năng khó khăn. Vì vậy, giải pháp là phải đảm bảo nguồn tài chính đầu tư lớn. Có nhiều giải pháp nhưng theo tôi quan trọng nhất là giá điện phải đủ để bù đắp chi phí đầu tư và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư.

Nhưng chính sách điều chỉnh giá điện trong tổng sơ đồ điện VII đã nêu là đến năm 2020, giá điện sẽ là 8 - 9 cent/KWh, nhưng điều chỉnh thế nào, Chính phủ sẽ cân nhắc để vừa giải quyết khó khăn tài chính cho ngành điện lực, vừa đảm bảo kinh tế vĩ mô nói chung.

Hy vọng với chính sách giá điện, với quyết định cho EVN tự điều chỉnh giá điện không quá 5%, đến 1 giai đoạn nào đó ngành điện sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt để khuyến khích nhà đầu tư vào ngành điện và có lợi nhuận hợp lý.

EVN đang nợ 10.000 tỷ đồng, vậy từ nay tới cuối năm liệu EVN có tăng giá điện để trả nợ?

Hiện nay giá điện của EVN đang áp dụng thấp hơn thực tế chưa đủ để EVN hoạt động có lãi. Vì vậy, giải pháp đến năm 2020, giá điện phải tiến tới chi phí biên dài hạn của hệ thống là 8 -9 cent/KWh. Chúng ta có 10 năm để tiến tới giá đó. Còn tăng lúc nào thì phải tính toán cho phù hợp.

 

EVN hiện đầu tư 39 dự án với tổng công suất trên 27.000 MW. Ảnh: internet
EVN hiện đầu tư 39 dự án với tổng công suất trên 27.000 MW. Ảnh: internet

 

Hiện nay, vấn đề thiếu điện hay được giải thích là do thiếu nước? Vậy sơ đồ điện VII, liệu có giải quyết được vấn đề này?

Hiện nay trong cơ cấu nguồn, thủy điện chiếm khoảng 35%, mùa khô thiếu nước thì ít nhiều nguồn điện cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong tương lai, nhiệt điện nhiều, thủy điện còn khoảng 10% thì sẽ ảnh hưởng ít hơn.

EVN hiện chiếm bao nhiêu phần trăm tổng cơ cấu nguồn điện? Vừa rồi, quy hoạch VI chậm do EVN trả lại 13 dự án nhiệt điện than. Vậy quy hoạch VII sẽ kế thừa bao nhiêu dự án còn lại của quy hoạch VI?

Khi nhìn lại tổng sơ đồ VI thì dự án nguồn điện thực hiện trên 70%, lưới điện trên 60%, phần còn lại chuyển tiếp sang tổng sơ đồ VII. Sơ đồ VII có tiến độ cụ thể, mục tiêu là cố gắng đưa dự án vào đúng mục tiêu kế hoạch.

Hầu hết các dự án nguồn đầu tư đến năm 2020 đều xác định chủ đầu tư nhiều dự án do EVN đầu tư, không ít các dự án khác do PVN và TKV và một số dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do nhà đầu tư nước ngoài và dự án tư nhân làm.

Để thực hiện vai trò chính vẫn là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các dự án ngành khác có lẽ dễ dàng hơn nhưng các dự án nguồn điện lên tới hàng tỷ USD đầu tư thì vai trò chính vẫn nằm trên vai EVN, TKV và PVN, một số ít nhà đầu tư tư nhân. Do vậy, có một số nhà đầu tư lớn nhưng khi triển khai các dự án nguồn điện hàng tỷ USD thì vẫn khó khăn và chậm tiến dộ.

EVN đang kêu gọi đầu tư ngoài nước, EVN hiện đầu tư 39 dự án với tổng công suất trên 27.000 MW, thời gian tới EVN tiếp tục đầu tư vào các dự án để giải quyết các vấn đề trên.

Ngành điện luôn khuyến khích đầu tư tư nhân vào đầu tư vốn, vậy quy hoạch VII, có sự phân biệt thủy điện nhỏ tư nhân và EVN không?

Chủ trương của Bộ là khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án nguồn điện. Hiện chúng ta đã triển khai 11 dự án BOT với nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là nhiệt điện chạy than, 1 số nhà máy chạy khí.

Tổng sơ đồ VI thì nhiều nhà đầu tư trong nước đã đầu tư thủy điện nhỏ, thích đầu tư vì cơ chế chính sách giá, các nhà đầu tư kỳ vọng thu lợi nhuận cao. Vốn đầu tư dự án thủy điện nhỏ không lớn, khoảng chục triệu USD trở lại, phù hợp với huy động vốn.

Nhưng qua triển khai nổi lên 1 số vấn đề, đặc biệt là tính hiệu quả, dự án thủy điện nhỏ điện năng cung cấp cho hệ thống không nhiều nhưng đầu tư lưới và truyền tải thì suất đầu tư lại cao.

Thứ ba là 1 số nhà máy thủy điện nhỏ gây ngập lụt, ảnh hưởng đến môi trường. Quy hoạch VII sẽ rà soát lại để vừa khai thác tiềm năng thủy điện, nhưng làm sao đầu tư phải có hiệu quả, không gây ảnh hưởng môi trường lớn.

Vừa qua, thủy điện sông Ba Hạ xả lũ gấp 5 dự báo, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Về mức độ xả lũ ngày 30-31/7 vừa qua nhiều hơn mức độ thông báo, chúng  tôi đã yêu cầu EVN báo cáo. Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ nhiều hơn thì kiểm tra lại, nếu lỗi của nhà máy thì cần xử lý.

Quy định phải thông báo trước 2 giờ đồng hồ để di dân theo quy trình vận hành xả lũ là thời gian đối với miền núi không phải là nhiều. Giải pháp xả lũ ảnh hưởng đến người dân hạ du không chỉ năm nay mà năm nào hầu như cũng có sự cố đáng tiếc tuy chưa gây thiệt hại nhiều về tài sản và con người nhưng cũng đã ảnh hưởng tới người dân.

Tôi cho rằng, kinh nghiệm tốt nhất là xây dựng hệ thống cảnh báo dọc sông, bằng điện thoại di động. Thời gian tới phải mua sắm và lắp đặt cảnh báo qua hệ thống điện thoại di động kịp thời. Còn về lâu dài, phải khảo sát quy trình vận hành hồ chứa trong mùa lũ, nếu cần sẽ điều chỉnh.

 

Châu Anh (VTC)