Dự án ngừng thi công tăng mạnh: Lỗi do đâu?
Cập nhật lúc 23:29, Thứ ba, 08/12/2015 (GMT+7)
Bên cạnh việc các chủ đầu tư tiếp tục "tung hàng" và giới thiệu một loạt dự án mới ra thị trường TP.HCM, vẫn tồn tại hàng trăm dự án rơi vào cảnh dừng thi công, với vô số lý do mà chủ đầu tư chưa thể giải quyết. (chủ đầu tư, Kenton Residences, dự án ngừng thi công)
Bên cạnh việc các chủ đầu tư tiếp tục “tung hàng” và giới thiệu một loạt dự án mới ra thị trường TP.HCM, vẫn tồn tại hàng trăm dự án rơi vào cảnh dừng thi công, với vô số lý do mà chủ đầu tư chưa thể giải quyết.
Dự án M&C Tower là ví dụ điển hình về năng lực tài chính của ông chủ. Trả lời về nguyên nhân dừng thi công, ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, đơn vị nắm 30% vốn của dự án, từng lý giải nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do “các cổ đông chưa thu xếp được vốn để tiếp tục xây dựng, giãn tiến độ để chờ thị trường hồi phục...”. Được biết, hiện dự án đã thi công cơ bản xong phần thô, đạt khoảng 80% khối lượng công trình. Các hạng mục còn dang dở cần được hoàn thiện như lắp kính bên ngoài tòa nhà, hệ thống vách ngăn, lát sàn, cơ điện...Ước tính, với 80% khối lượng công trình đã hoàn thiện, chủ đầu tư đã đầu tư vào đây khoảng 4.000 tỷ đồng, và để hoàn thiện phải cần thêm trên 1.000 tỷ đồng nữa.
Trong khi đó, ví dụ điển hình cho việc dự án dừng triển khai do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, có thể kể tới Dự án Phước Kiểng (huyện Nhà Bè) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Đại diện của đơn vị này cho biết, theo quy định, chúng tôi phải tự thỏa thuận 100% với người dân để giải tỏa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn vì các chủ đất hét giá trên trời, không chịu di dời. Theo thông tin Báo Người Tiêu Dùng có được thời điểm hiện tại, Quốc Cường Gia Lai đã cơ bản thành công trong khâu giải phóng mặt bằng và sớm tái khởi động dự án trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc gặp phải trong quá trình triển khai dự án là không hề nhỏ.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng. Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khi đã bồi thường được từ trên 80% diện tích. Hy vọng, những thay đổi trên sẽ đảm bảo lợi ích người có đất, lợi ích của doanh nghiệp và của xã hội.
Trở lại với vấn đề dừng thi công, ngoài những nguyên nhân đã được liệt kê, cũng không thể bỏ qua tình trạng các chủ đầu tư “qua mặt” chính quyền dẫn tới tình trạng “trùm mền” dự án. Tại TP.HCM trong vòng 5 năm trở lại đây, ghi nhận cho thấy hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị đã cố tình xây dựng sai phép, trái phép nghiêm trọng. Đơn cử gần đây nhất là dự án Chung cư Hiệp Thành (Q.12) được chủ đầu tư xây dựng chui lên tầng thứ 10 sau đó bị phát hiện và yêu cầu tạm ngưng thi công.
Một lý do khác là cách làm ăn “thiếu minh bạch” của một số sàn giao dịch và chủ đầu tư cũng là nguyên nhân khiến dự án đi vào ngõ cụt. Đơn cử, tại Chung cư Gia Phú (Q.Thủ Đức) hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại đây đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi phát hiện chủ đầu tư, cùng đơn vị phân phối bán một căn hộ cho nhiều người. Dự án thì dừng thi công còn tiền dân đã đóng không thể đòi lại.
Rõ ràng ngoài những nguyên nhân đền bù giải tỏa, về vốn các chủ đầu tư cũng cần phải tạo niềm tin nơi khách hàng bằng việc thực hiện đúng theo giấy phép, theo đúng với những quy định của pháp luật thì lúc đó mới có thể hy vọng thành công với dự án của mình, chí ít cũng giảm đi tình trạng phải dừng thi công với những lý do trên.
Theo NTD
.