(BVPL) - Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu trầm trọng...
Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn hạn chế hiện nay của hệ thống các đô thị ở nước ta. Đến nay, cả nước đã có 16 đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) vùng liên tỉnh (vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt QHXD vùng tỉnh (tương đương 63 đồ án quy hoạch, 30% đang tổ chức lập điều chỉnh); 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được phê duyệt (tương đương 805 đồ án); Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%; Quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%; tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8926 xã).
Đây là kết quả của việc đổi mới công tác QHXD, linh hoạt trong xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường để cập nhật phục vụ việc lập quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Nhiều QHXD đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển; đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm.
Tính đến hết tháng 5/2017, dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37% (năm 1999 là 23,7%); mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người/km2. Diện tích đất toàn đô thị là 43.792km2, chiếm 13,2% diện tích đất tự nhiên toàn quốc, trong đó diện tích khu vực nội thị là 18.766,66km2, chiếm 5,67% diện tích đất tự nhiên toàn quốc. Tổng số đô thị cả nước là 805 đô thị (tăng thêm 08 đô thị loại V so với cuối năm 2016), bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 633 đô thị loại V.
Khu vực đô thị đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu; hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại, khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ lớn, công trình đầu mối quốc gia về giao thông, một số công trình xây dựng đô thị tầm cỡ khu vực. Phát triển kinh tế đô thị đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội. Tác động quan trọng vào sự phát triển chung của các Vùng.
Bên cạnh đó, một số quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính khả thi thấp. Thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng trình tự, nội dung theo quy định, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý, của cộng đồng còn yếu, một số vi phạm chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu trầm trọng. Với tác động ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng trầm trọng, gay gắt nhất là ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Điển hình là vấn đề chậm triển khai di dời trụ sở, trường học, bệnh viện cơ sở sản xuất ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang được dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế việc di dời hiện nay rất khó thực hiện bởi di dời các bệnh viện thì do Bộ Y tế quyết định, di dời các trường đại học thì lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo…Đó là chưa kể đến vấn đề kinh phí xây dựng mới các bệnh viện, trường học.
Mới đây, trả lời ý kiến cử tri quận Hoàn Kiếm về thực trạng các cơ quan, nhà máy, đơn vị bộ, ngành khi được cấp đất xây trụ sở mới nhưng không chịu trả đất cho thành phố, ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thừa nhận, việc di dời các cơ quan bộ, ngành ra ngoài 4 quận nội thành thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997. Mặc dù yêu cầu về việc di dời trụ sở hàng chục bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô được đặt ra từ nhiều năm qua và đã trở thành yêu cầu bức thiết nhằm giảm tải hạ tầng, giảm ùn tắc, song do sự thờ ơ của cơ quan chức năng và việc thiếu những giải pháp mạnh đã khiến chủ trương này không biết khi nào mới thành hiện thực.
Tháng 9-2015, báo chí phát hiện tòa nhà 8B Lê Trực xây sai phép, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu báo cáo. UBND TP. Hà Nội có báo cáo thừa nhận chủ đầu tư đã tự ý xây vượt chiều cao 16m (giấy phép 53 m nhưng xây thành 69m), tương đương với 5 tầng nhà; xây vượt diện tích sàn hơn 6.100m2… Hà Nội cam kết xử lý cán bộ làm sai, cắt ngọn phần xây lố. Đến nay, một số cán bộ buông lỏng trách nhiệm quản lý đã bị xử lý, thế nhưng phần xây dựng sai phép của tòa nhà vẫn chưa bị cắt bỏ. Được biết tới tháng 10-2016, Công ty Phương Bắc (do chủ đầu tư không thực hiện phá dỡ nên TP. Hà Nội phải thuê nhà thầu này) mới hoàn thành giai đoạn 1 là phá dỡ phần tum thang và tầng 19. Riêng giai đoạn 2, phá dỡ phần xây sai phép còn lại và phần giật cấp vẫn chưa được thực hiện với lý do… đang nghiên cứu tìm phương án phá dỡ an toàn.
Hiện tại, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang thực hiện tổng rà soát việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng các khu đô thị trên địa bàn cả nước; Kiểm tra một số dự án bất động sản sử dụng nhiều đất và các hoạt động bất động sản. Sau khi có báo cáo chính thức Chính phủ về vấn đề này, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ có hình thức phù hợp để thông tin cho nhân dân cả nước được biết, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh!
Xuân Hưng