Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, dự án Bất động sản và Bến du thuyền được UBND thành phố phê duyệt Sơ đồ ranh giới tại Quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 28/8/2009, diện tích dự án 175.012m2, trong đó diện tích sử dụng đất phần đất liền: 105.520m2, diện tích sử dụng đất phần mặt nước: 69.492m2, giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án.
Ranh giới phía sông của dự án, theo Sơ đồ ranh giới được duyệt bám theo hướng tuyến quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
|
|
Bờ kè đã được xây và đổ đất lấn sông Hàn làm dự án bất động sản và bến du thuyền
|
“Tuyến đê, kè Mân Quang được Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch trên cơ sở khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến thống nhất.” Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng khẳng định.
Năm 2011, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch lần đầu tại Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 26/01/2011, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè Mân Quang trở vào trong, tổng diện tích dự án 175.512m2, trong đó diện tích đất phần đất liền: 105.520m2, diện tích đất mặt nước, cầu tàu: 63.003m2; khu vực phía sông quy hoạch 13 khối tháp cao tầng (từ 16-33 tầng) và các công trình bảo dưỡng du thuyền; đất công viên, cây xanh: 7.065m2.
Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất Động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện. Qua các lần điều chỉnh quy hoạch, dự án được điều chỉnh theo hướng tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m2, trong đó diện tích đất phần đất liền 107.311m2, diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2; Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.
Diện tích công viên, cây xanh tăng từ 7.065m2 thành 24.415m2. Khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 2 khối tháp (chiều cao từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực; bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho mọi người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông.
Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết thêm: ”Dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh giá tác động môi trường.”
”Hiện chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề theo giấy phép xây dựng được cấp. Khu vực ven sông phía Tây đường Lê Văn Duyệt đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện...”
Liên quan đến dự án Marina Complex ở bờ đông sông Hàn, thời gian vừa qua, dư luận Đà Nẵng lo lắng khi dự án này cơ bản san lấp nền hoàn thành, chuẩn bị cho giai đoạn xây dựng nhưng lại có chiều hướng xây kè, đổ đất lấn sông với diện tích khá rộng. Phần diện tích đắp bồi thêm có dạng hình tam giác, được xây dựng bằng bê tông kiên cố, cách bờ sông cũ ước chừng hàng chục mét.
Ngay từ tháng 4/2016, ngay khi dự án được triển khai, người dân TP.Đà Nẵng đã có thắc mắc về việc đổ đất lấn sông của dự án Marina Complex gây ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin rằng từ thời Pháp thuộc, tại khu vực hiện nay là dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng về phía Mân Quang đã xây dựng kè đá để hướng dòng chảy không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông Hàn.
Theo đó, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè sông Hàn trở vào trong, với mục đích chống sạt lở bờ sông, bảo vệ công trình kiến trúc lịch sử, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hàn, không làm ảnh hưởng đến bờ kè đá đã được xây dựng và gia cố hằng năm.
Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ.
Mặc dù phía thành phố đã khẳng định dự án an toàn nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ quan ngại cho các dự án lấn sông Hàn hiện nay. Theo một số chuyên gia, việc lấp sông, lấn sông ở nhiều địa phương đã được các nhà khoa học cũng như thực tế minh chứng đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo ông Hồ Duy Diệm, Kiến trúc sư, nguyên Trưởng ban quy hoạch TP.Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam, việc lấn sông Hàn làm dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong đó có việc ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ cho phía thượng nguồn và thành phố, đồng thời gây sạt lở bờ tây.
Đặc biệt, vào mùa mưa, việc lấn sông làm giảm diện tích lòng sông sẽ khiến nước dâng cao. Khi nước dâng cao, có thể trào ngược lại hệ thống thoát nước. Đến lúc đó, hậu quả không thể lường trước được.
Ngoài ra, từ khi hình thành dự án đến nay, nhiều sai phạm được chỉ ra, trong đó có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo Thông báo số 354/TB-TTCP ngày 18/3/2019 của Thanh tra Chính phủ “Kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng”, dự án này được chính quyền thành phố giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm Điều 58, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 61 của Chính phủ, không tuân thủ quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Dự án này cũng chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết.
Cụ thể, dự án tăng thêm 1.047m2 đất ở và chậm ký hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước để thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Dự án cũng đã được điều chỉnh 5 lần với rất nhiều nội dung điều chỉnh và các lần điều chỉnh đều xuất phát từ đề nghị của chủ đầu tư với mục đích nhằm thu lợi cao hơn từ dự án.