leftcenterrightdel
Cư dân tòa nhà CT1 Trung Văn đang mòn mỏi chờ chủ đầu tư Vinaconex 3 chuyển tiền quỹ bảo trì. 

Nhà tái định cư, nhà thương mại đều bị chiếm dụng quỹ bảo trì

Thống kê cho thấy, trong 490 tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, hiện cũng chỉ mới thành lập được 221 BQT. Việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% giữa chủ đầu tư và BQT cũng chỉ mới bàn giao cho 180 BQT. Như vậy, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 219 tòa nhà chưa thành lập BQT đồng nghĩa với việc hàng trăm tỷ đồng quỹ bảo trì vốn của người dân vẫn đang bị các chủ đầu tư chiếm dụng, chưa bàn giao. 

Tòa nhà CT1 Trung Văn, Nam Từ Liêm do Vinaconex 3 làm chủ đầu tư là một điển hình. Tòa nhà này được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Sau nhiều cuộc họp, sự đấu tranh bền bỉ của cư dân, ngày 15/1/2018, tòa nhà mới bầu được BQT. Từ khi BQT được bầu, nhiều văn bản đã được phát ra nhằm yêu cầu Vinaconex 3 bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho BQT và hồ sơ kỹ thuật của tòa nhà. Tuy nhiên, đến nay, Vinaconex 3 vẫn chây ỳ không chịu trả quỹ 2% cho cư dân. Bức xúc trước vụ việc này, ông Lê Văn Đôn, Trưởng BQT tòa nhà cho rằng, Vinaconex không hợp tác và có thái độ chây ỳ, dù rằng BQT đã gửi rất nhiều văn bản yêu cầu nhưng không được hồi đáp. “Chúng tôi đã gửi những yêu cầu lên Sở Xây dựng TP. Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm... Những cơ quan này đã có phản hồi và yêu cầu Vinaconex 3 phải trao trả quỹ bảo trì cho BQT để vận hành tòa nhà, thế nhưng, họ vẫn bất chấp pháp luật, không thực hiện những yêu cầu của chính quyền, cơ quan quản lý” - ông Đôn bức xúc.

Không chỉ ở tòa nhà CT1 Trung Văn, mà tại tòa nhà Rainbow Văn Quán, trong một thời gian dài, cư dân cùng BQT tòa nhà đã phải đấu tranh để thực hiện quyền của mình là sở hữu quỹ 2%. Đến nay, chủ đầu tư là Công ty CP BIC Việt Nam phải chấp trả lại tiền cho BQT nhưng cũng chưa bàn giao xong. Tương tự, hàng loạt các tòa chung cư bị chiếm dụng quỹ bảo trì hoặc chậm trả, trả nhỏ giọt cho BQT các tòa nhà như: Chung cư Thăng Long Garden, Hồ Gươm Plaza, CT1, CT3 khu đô thị mới Trung Văn...

Nhà ở thương mại là thế, các khu tái định cư cũng trong tình trạng... không biết quỹ bảo trì ở đâu? Khu tái định cư (TĐC) Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội đã được đưa vào sử dụng gần chục năm nay để phục vụ việc ổn định đời sống người dân bị thu hồi đất ở nhiều dự án công ích trên địa bàn Thủ đô. Khu TĐC này bao gồm 10 tòa nhà, theo ghi nhận hiện cũng đã đón được hàng ngàn hộ dân về đây định cư. Tuy nhiên, một thời gian ở thì khu TĐC đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và chưa được duy tu, bảo dưỡng.

Nói về quỹ bảo trì, người dân nơi đây cho biết, trước khi nhận bàn giao nhà, gia đình họ bị khấu trừ một khoản tiền bồi thường cho nhà nước để đóng quỹ bảo trì 2%. Nhưng để vận hành, khắc phục các hư hỏng của tòa nhà, nhiều năm qua họ phải tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa. Họ không hề biết quỹ bảo trì đang được cơ quan nào quản lý? 

Không chỉ khu TĐC Đồng Tàu, các chung cư TĐC khác trên địa bàn các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng được ghi nhận trong tình trạng tương tự khi người dân không hay biết quỹ bảo trì đóng góp đã được quản lý, sử dụng như thế nào, trong khi chất lượng chung cư ngày càng xuống cấp, tiện ích yếu kém, dịch vụ không bảo đảm. Thậm chí, không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm cũng bị chiếm dụng; hàng quán bủa vây tòa nhà, diện tích hạ tầng xung quanh bị lấn chiếm một cách vô tội vạ.

Hà Nội hiện đang có 173 tòa nhà chung cư TĐC đã được đưa vào sử dụng với tổng số gần 17 ngàn căn. Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang được giao quản lý và vận hành 166 tòa nhà TĐC, số còn lại do các địa phương tự quản lý.

Cần mạnh tay với những đơn vị chiếm dụng quỹ

Theo Luật Nhà ở năm 2014 thì chủ sở hữu nhà ở chung cư TĐC được xây dựng sau thời điểm này đều phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định. Nếu như quỹ bảo trì của các tòa chung cư thương mại được chủ đầu tư dự án quản lý khi BQT tòa nhà chưa được thành lập, thì tại các tòa chung cư TĐC, số tiền quỹ bảo trì mà người dân đóng được giao cho các công ty nhà nước đảm nhận việc vận hành tòa nhà quản lý.  

Như vậy, cả những khu nhà TĐC, hay thương mại đều phải lập BQT để quản lý quỹ 2% và vận hành tòa nhà. Tuy nhiên, khu vực TĐC thì việc lập BQT đang còn rất ít, mới chỉ khoảng 21/173 tòa nhà lập BQT và quỹ bảo trì thì mới bàn giao được 13 tòa. Vậy, quỹ bảo trì của người dân đang được chiếm dụng ở đâu?.

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng khẳng định: Tại Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì diễn ra phổ biến, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Theo Bộ Xây dựng, trong 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì, với trên 108 dự án có tranh chấp. Thực tế đây cũng là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công trình chung cư đã bàn giao nhiều năm và đang xảy ra tình trạng xuống cấp. Bộ Xây dựng có kiến nghị, với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, Cơ quan Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.

Theo luật sư Vũ Văn Đồng, Đoàn luật sư Hà Nội thì, nếu chủ đầu tư nào cố tình chiếm đoạt quỹ bảo trì, bỏ trốn... thì có thể xem xét xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn nếu có sự tranh chấp thì phải kiện ra Tòa án để giải quyết. 

Quỹ bảo trì 2% là của người dân, đó là tiền của người dân mua nhà phải thanh toán để sau này duy tu bảo dưỡng tòa nhà... Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không bàn giao cho BQT tòa nhà quản lý là vi phạm Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015 về việc hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Thông tư số 02/2016 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Vì thế, cần có những chế tài mạnh tay để xử lý đối với những chủ thể vi phạm này. 

Bài và ảnh: Lê Sử