(BVPL) - Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai thường xảy ra tại khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và ĐBSCL với tần suất cao hơn, cường độ mạnh với diễn biến khó lường hơn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân. Trước tác hại của lũ lụt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL. Sau hơn 10 năm triển khai, dự án đã xây dựng được 980 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với trên 205.000 hộ dân được thụ hưởng đạt trên 90 % so với kế  hoạch, với số vốn giai đoạn 1 đạt gần 6000 tỷ đồng. Giai đoạn 2, chương trình được triển khai ở 7 thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long là: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ. Người dân nghèo vùng lũ đang mong những dự án như thế này ngày càng được nhân rộng để họ sớm được an cư để lạc nghiệp.

Giảm thiệt hại cho người dân

Kết thúc mùa bão năm 2013, tất cả 700 ngôi nhà vượt lũ được triển khai thí điểm giai đoạn 1 tại 7 tỉnh miền Trung đều đã bảo vệ được tính mạng và tài sản của người dân. Đối với người dân một số tỉnh được xây nhà tránh lũ, trận lũ sau cơn bão số 14 vừa qua còn lớn hơn trận lũ năm 1999, nhưng họ đều đã an toàn với những ngôi nhà vượt lũ của mình. Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong đợt bão lũ vừa qua, nhà vượt lũ đã phát huy tối đa hiệu quả: đảm bảo an toàn cho người, đảm bảo an toàn cho gia súc, cho tài sản và thập chí mọi người hàng xóm xung quanh cùng đến trú được… Nếu được xây dựng đại trà sẽ là cơ hội để giảm nghèo bền vững tại địa phương”

Bộ Xây dựng dự kiến, nếu triển khai giai đoạn 2 với 40.000 căn nhà vượt lũ tại 14 tỉnh miền Trung, ngân sách sẽ chi khoảng 1.000 tỉ đồng. Số tiền này còn thấp hơn con số 2.000 tỉ đồng  mà Nhà nước phải bỏ ra hàng năm để hỗ trợ đồng bào vùng lũ khắc phục hậu quả. Đánh giá sơ bộ sau 1 năm triển khai, nhà vượt lũ miền Trung đủ khả năng giúp người dân miền Trung “sống chung” với bão lũ.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vượt lũ cũng nảy sinh một số hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ. Việc nhiều hộ dân tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vẫn còn gặp không ít khó khăn do thiếu việc làm nên chưa có thu nhập ổn định. Đây là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân bỏ về nơi ở cũ vì không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu tình trạng thiếu việc làm của cụm, tuyến dân cư vượt lũ không được khắc phục, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và phát triển của các cụm, tuyến dân cư vượt lũ .

 

 Những cụm, tuyến dân cư và nhà vượt lũ đã góp phần giúp người dân thoát nghèo.
Những cụm, tuyến dân cư và nhà vượt lũ đã góp phần giúp người dân thoát nghèo.


Ông Đinh Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười - Đồng Tháp cho biết: Người dân không có thu nhập nên không có tích lũy. Cần phải có các chính sách giải quyết việc làm, như vậy thì người dân mới thực sự an cư lạc nghiệp.

Bên cạnh đó, để cùng người dân giải quyết khó khăn về nguồn vốn trả nợ ngân hàng cần gia hạn trả nợ thêm 3 năm nữa. Và gắn chương trình này với xây dựng nông thôn mới để ổn định đời sống cho dân. Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Xây dựng An Giang cho biết.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: Kết quả cho vay trong chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 triển khai còn chậm; trong đó có những  địa phương chưa thực hiện được như  tỉnh Đồng Tháp, tỉnh An Giang và TP.Cần Thơ.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, hết năm 2013 giai đoạn 2 của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vượt lũ sẽ kết thúc. Các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân chỗ ở chưa ổn định, cần được di dời vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Nếu như chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long được tiếp tục được song hành cùng chương trình xây nhà vượt lũ ở các tỉnh miền Trung thì hàng chục nghìn hộ dân nghèo sẽ có cơ hội được sinh sống trong những ngôi nhà vững chắc đủ sức chống chọi với bão lũ.
 

Mai Hòa

.