Giao người bị tố cáo giải quyết đơn tố cáo

Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin trước đó, ông Trần Văn Sơn đã nhiều lần có đơn thư tố cáo ông Nguyễn Văn Thịnh - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng trái thẩm quyền, trái mục đích con dấu của Liên minh HTX Việt Nam, chữ ký chức danh Phó Chủ tịch để ký các giấy tờ trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, Ma Cao, Malaysia..., thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Theo đó, ngày 25/4/2017, Đảng đoàn Liên minh HTX Việt Nam đã có Công văn số 14 CV/ĐĐ gửi UBKT Trung ương, trong đó nêu rõ những sai phạm của ông Thịnh. Ngoài việc sử dụng trái thẩm quyền con dấu và chữ ký tại Công ty Vinagimex, ông Thịnh còn bị tố cáo thiếu trung thực, khai báo gian dối thời gian công tác, không khai báo đã từng bị kỷ luật Đảng ở hồ sơ lý lịch, nhiều lần thể hiện thái độ trù dập người tố cáo…

Trong đơn thư mới nhất gửi các cơ quan chức năng, ông Trần Văn Sơn tiếp tục bày tỏ những bức xúc đối với văn bản phản hồi số 862 ngày 3/10/2017 của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương. Ông Sơn khẳng định từ năm 2012 đến nay, ông Thịnh vẫn chưa trả cổ tức đối với 12% vốn cổ đông cho Liên minh HTX Việt Nam.

Về nội dung tố cáo ông Nguyễn Văn Thịnh lạm quyền, cố ý làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc ký xác nhận, chứng thực các giấy tờ trái thẩm quyền cho hàng chục nghìn lao động tại Công ty cổ phần Vinagimex đi làm việc ở nước ngoài từ tháng 6/2012 đến tháng 1/2017, theo Công văn số 826 của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, nội dung này thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên minh HTX Việt Nam. Ông Sơn không bằng lòng với nội dung này vì theo ông, giao cho chính những người đang bị ông khiếu nại, tố cáo xử lý vụ việc này thì sẽ không đảm bảo sự khách quan và công tâm.

“Không có gì đáng nghiêm trọng”?


Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Ngọc Toại, Chánh văn phòng Liên minh HTX Việt Nam, cho hay: “Sự việc khiếu nại này đã kéo dài nhiều năm, chuyện ông Thịnh trả cổ tức cho các cổ đông hay chưa đấy là vấn đề giữa họ. Riêng chuyện tố cáo ông Thịnh trục lợi thì hiện nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã đến đây làm việc và thu thập tài liệu chứng cứ, khi nào có kết quả mới biết được đúng sai thế nào”.

Cũng theo ông Toại, hành vi của ông Thịnh không có gì đáng nghiêm trọng do không có văn bản nào hướng dẫn rằng khi cổ phần hóa phải chuyển hồ sơ giấy tờ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB-XH) TP Hà Nội. Cùng với sự chủ quan, ông Thịnh vẫn tiếp tục ký các giấy tờ tại Vinagimex cho người lao động, khi phát hiện vấn đề này chưa hợp lý thì ông Thịnh đã chủ động chuyển hồ sơ lên Sở LĐ -TB -XH TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, theo nội dung làm việc trước đó giữa Phóng viên với đại diện Lãnh sự quán Đài Loan, hành vi ký sai thẩm quyền ấy chỉ bị yêu cầu dừng lại khi họ nhận được đơn thư tố cáo của ông Trần Văn Sơn.

“Chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin hay văn bản thông báo nào về việc Công ty Vinagimex đã tiến hành cổ phần hóa. Đến cuối tháng 12/2016, khi nhận được đơn thư tố cáo của ông Trần Văn Sơn thì chúng tôi mới yêu cầu doanh nghiệp này chuyển mọi thủ tục sang Sở LĐ-TB-XH TP. Hà Nội ký, đóng dấu. Nếu trước đó biết Liên minh HTX Việt Nam không còn là cơ quan chủ quản của Vinagimex mà vẫn đóng dấu thì chúng tôi sẽ không duyệt các thủ tục cấp visa cho lao động”, đại diện Lãnh sự quán Đài Loan cho hay.

Theo ông Trần Văn Sơn, ông vô cùng thất vọng khi nhận được công văn phản hồi số 826 của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương. Ông Sơn cho biết, phần lớn các nội dung tố cáo đều không được giải quyết thỏa đáng, thậm chí nhiều nội dung có chứng cứ đối chất đầy đủ, rõ ràng nhưng lãnh đạo UBKT Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cho rằng, họ kế thừa từ kết luận của UBKT Trung ương nên người khiếu nại có gì thắc mắc cứ tiếp tục gửi đơn lên trên.

Đức Thắng