Vi phạm thỏa thuận về đặt cọc

Theo đơn và những tài liệu gửi báo Bảo vệ pháp luật của bà Tr. Th. Hương (địa chỉ: thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) là chị gái đồng thời là đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là anh Tr. Đ. Dũng phản ánh: Anh Lê Lục Lâm và Công ty CP phát triển hạ tầng kỹ thuật (Công ty Becamex IJC) có ký kết với nhau hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản theo hình thức ứng tiền trước (số 064 vào ngày 29/12/2014). Ngày 16/10/2015, hai bên đã tiến hành ký kết Phục lục hợp đồng số 02 về việc điều chỉnh, bổ sung nội dung Hợp đồng số 064 thay đổi thành “Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai”. Hợp đồng này cho phép anh Lâm được chuyển nhượng lại khi có sự đồng ý của bên bán. Sau đó, anh Lâm đã bàn bạc và thỏa thuận với anh Dũng về việc chuyển nhượng lại các quyền và nghĩa vụ của hợp đồng cho anh Dũng với giá là 848.400.000 đồng. Tiếp đó, giữa hai bên đã ký kết và lập các thỏa thuận đặt cọc.

leftcenterrightdel
Các biên bản thỏa thuận về việc đặt cọc, phạt cọc giữa nguyên đơn và bị đơn. 

Sau 03 lần ký kết hợp đồng đặt cọc, anh Lâm đã nhận của anh Dũng số tiền là 848.400.000 đồng, nếu anh Lâm vi phạm cam kết sẽ phải trả lại tiền cọc, chấp nhận bồi thường khoản tiền gấp đôi số tiền cọc đã nhận. Theo cam kết là đến cuối tháng 6/2016 sẽ đi công chứng để hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng, nhưng bà Hương cho biết, dù đã nhiều lần liên hệ, yêu cầu nhưng anh Lâm không thực hiện theo như những gì đã thỏa thuận, cam kết. Do sự vi phạm này của anh Lâm nên bà Hương đã có đơn khởi kiện ra TAND thị xã Tân Uyên đề nghị Tòa tuyên buộc anh Lâm phải thanh toán đầy đủ số tiền đặt cọc đã nhận là 848.400.000 đồng và buộc bị đơn phải bồi thường khoản tiền cọc do vi phạm cam kết là 848.400.000 đồng, tổng cộng là 1.696.800.000 đồng.

Chờ kết quả trả lời là chưa phù hợp pháp luật, không đúng đối tượng

Qua tài liệu bà Hương cung cấp cho thấy, mặc dù vụ án được TAND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thụ lý từ tháng 11/2016 nhưng mãi đến tháng 3/2018, Tòa án mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử? Về điều này, trước đó, bà Hương cũng đã có đơn khiếu nại về việc chậm trễ trong thời hạn giải quyết vụ án. Phía Tòa án cho rằng do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và cần phải làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ các tình tiết trong vụ án nên đã ban hành quyết định gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm từ ngày 19/5/2017 đến ngày 19/7/2017. Tiếp đó, ngày 13/10/2017, TAND thị xã Tân Uyên có Quyết định số 105 về việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do cần chờ công văn trả lời của Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và hồ sơ cung cấp thông tin về việc cấp GCNQSDĐ cho Công ty Becamex IJC. Tuy nhiên, quyết định này đã bị bà Hương kháng cáo và ngày 21/12/2017, TAND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 23 nêu rõ việc Tòa án cấp sơ thẩm có công văn đề nghị Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cung cấp thông tin về lô đất và ra quyết định tạm đình chỉ chờ kết quả trả lời của Công ty là chưa phù hợp pháp luật, không đúng đối tượng. Theo bà Hương, mặc dù ngày 24/11/2017, TAND thị xã Tân Uyên đã có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, tuy nhiên, việc để vụ án gần 1,5 năm mới có quyết định đưa ra xét xử cũng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
    
Mặt khác trong vụ việc này, qua tìm hiểu, bà Hương còn phát hiện việc trước khi chuyển nhượng cho anh Dũng, anh Lâm đã chuyển nhượng hợp đồng cho một người khác là bà Nguyễn Thị Lý. Công ty Becamex IJC cũng đã xác nhận việc chuyển nhượng này của anh Lâm. Khi biết anh Lâm chuyển nhượng hợp đồng cho người khác, bà đã làm đơn gửi Tòa án yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bà Hương còn cho biết thêm, việc anh Lâm cho rằng, ngày 29/6/2017 liên hệ với bà để đi công chứng mà bà không đồng ý là không chính xác vì theo nội dung những tin nhắn trao đổi với anh Lâm mà bà còn lưu lại thì đến ngày 1/7/2016, anh Lâm vẫn không hề có động thái về việc sẽ sang tên, chuyển nhượng cho bà và anh Dũng.   

Trao đổi với Phóng viên, bà Hương cho biết: “Chúng tôi đã tuân thủ nghĩa vụ đặt cọc và không muốn vi phạm thỏa thuận để mất cọc và bị phạt. Tôi mong rằng, Tòa án sơ thẩm sẽ căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu mà chúng tôi cung cấp để có được những phán quyết thực sự khách quan, chính xác, công tâm”.

Nhóm P.V