(BVPL) - Báo Bảo vệ pháp luật nhận được đơn kêu cứu của ông Trần Văn Bảy và bà Phan Thị Ngọc Hân cùng thường trú tại 24 ấp 2 xã Phước Lộc huyện Bình Chánh TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, ông Bảy bà Hân trình bày về các quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến thửa đất rộng gần 10.000 m2 thuộc thửa 58 và thửa 59, tờ bản đồ số 15, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
 
Tại đơn kêu cứu, ông Bảy bà Hân cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Tp. HCM (PC44) đã kết luận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1996 giữa ông Bảy và bà Lương Thị Mùi (vợ ông Bảy) cho ông Đỗ Đức Trung (đ/c: 137/5 Nguyễn Văn Đậu, phường 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM) là hồ sơ giả mạo. Thế nhưng, UBND TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh vẫn phớt lờ kết luận này để rồi ban hành hàng loạt các quyết định, thậm chí có những quyết định trái chiều nhau. Điều này, đặt quyền lợi của gia đình ông Bảy bà Mùi vào thế mất trắng mảnh đất rộng gần 10.000 m2 mà ông bà là chủ sở hữu từ năm 1945 đến nay.
 
UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho mảnh đất này sau 18 năm
UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho mảnh đất này sau 18 năm
 
Ngày 27/11/1998, hộ bà Lương Thị Mùi được UBND huyện Bình Chánh cấp GCNQSDĐ số 530/QSDĐ/ trang 265Q1 đối với thửa đất có diện tích 9.793 m2 thuộc thửa 58 và thửa 59, tờ bản đồ số 15, xã Bình Hưng. Nhưng từ năm 2010 đến nay thì xảy ra tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng thửa đất giữa người thừa kế hợp pháp thửa đất trên là ông Trần Văn Vân (là con của ông Trần Văn Bảy và bà Lương Thị Mùi) với ông Trầm Tấn Phát, Đỗ Đức Trung, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc… Tính đến thời điểm hiện tại, để giải quyết những tranh chấp trên có 1 bản án có hiệu lực pháp luật, 3 quyết định của UBND huyện Bình Chánh (trong đó 2 quyết định thu hồi GCNQSDĐ số 530 đã cấp cho hộ bà Mùi, 1 quyết định huỷ bỏ quyết định thu hồi), 01 kết luận của CQCSĐT và nhiều văn bản, kết luận từ UBND TP.HCM cũng như của các cơ quan sở tại. Nhưng quan trọng nhất và cũng là mới nhất hiện nay là quyết định “chắc như đinh đóng cột” của UBND TP.HCM yêu cầu UBND huyện Bình Chánh tiếp tục thực hiện việc thu hồi, huỷ bỏ GCNQSDĐ số 530 đã cấp cho hộ bà Mùi đối với diện tích 9.793 m2 trên (Quyết định số 11083/QĐ – UBND ngày 8/12/2015).
 
Lý do để UBND TP.HCM và cũng là của UBND huyện Bình Chánh cho việc ban hành Quyết định 11083 (Quyết định thu hồi lần 2) vì cho rằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1996 giữa ông Trần Văn Bảy – bà Lương Thị Mùi cho ông Đỗ Đức Trung (thông qua ông Trần Công Năn) và có xác nhận của UBND xã Bình Hưng là có xảy ra trước khi cấp GCNQSDĐ cho bà Lương Thị Mùi 02 năm; UBND huyện Bình Chánh không có sở sở để xác nhận hộ bà Lương Thị Mùi thực tế sử dụng đất đối với phần đất có diện tích 9.793 m2 thuộc thửa 58 và thửa 59, tờ bản đồ số 15 tại thời điểm cấp GCNQSDĐ năm 1998. Do đó, UBND huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM đều cho rằng việc UBND huyện Bình Chánh cấp GCNQSDĐ số 530/QSDĐ/trang 265Q1 ngày 27/11/1998 cho hộ bà Lương Thị Mùi là không đúng đối tượng. 
 
Như vậy, theo quyết định của UBND TP.HCM và UBND huyện Bình Chánh là hộ bà Mùi đã bán mảnh đất trên cho ông Đỗ Đức Trung năm 1996. Nhưng năm 1998, hộ bà Mùi được cấp GCNQSDĐ cho mảnh đất đã bán cho ông Trung. Vì thế UBND TP.HCM và UBND huyện Bình Chánh cho rằng việc cấp GCNQSDĐ số  530 cho hộ bà Mùi là không đúng đối tượng mà phải cấp cho ông Đỗ Đức Trung mới đúng.  
 
Thế nhưng, tại văn bản trả lời số 1002/BC-PC44 (Đ3) ngày 28/10/2011 gửi VKSND TP.HCM, cơ quan CSĐT – CATP (PC44) CA TP.HCM đã kết luận rất rõ, giấy tờ chuyển nhượng từ ông Bảy, bà Mùi, ông Vân sang cho ông Trung là giả tạo, không có thực vì ông Bảy và ông Vân xác nhận không quen biết ông Đỗ Đức Trung và không thừa nhận có sự chuyển nhượng đất cho ông Trung. Về việc có xác nhận của UBND xã Bình Hưng, C44 kết luận, việc ông Trần Văn Tốt xác nhận với tư cách Chủ tịch UBND xã Bình Hưng chỉ mang tính chất cá nhân trái pháp luật nên không có giá trị pháp lý, bởi lẽ, tại thời điểm xác nhận năm 1996, diện tích đất trên chưa có GCNQSDĐ nên không được chuyển nhượng theo Điều 30 Luật Đất đai năm 2003. Mặt khác xác nhận này không qua địa chính, không lưu hồ sơ và chuyển UBND huyện nên năm 1998 UBND huyện vẫn cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Mùi.  
 
Trên đây là nội dung đơn thư kêu cứu của ông Bảy bà Vân, báo Bảo vệ pháp luật chuyển nội dung trên đến các cơ quan chức năng xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả giải quyết vụ việc thế nào xin gửi về địa chỉ báo Bảo vệ pháp luật để báo có cơ sở trả lời bạn đọc.
 
Thanh Bình