leftcenterrightdel
 Diện tích kè bờ ao của nhà bà Đào chưa được tính bồi thường

Có 2 quyết định thu hồi và 2 phương án bồi thường... vẫn sai!

Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư tại Văn bản số 7068/VPCP-QHQT ngày 21/10/2008. Hạng mục xây dựng cầu Vũ Yên I và đường dẫn thuộc dự án VSIP Hải Phòng tại xã An Lư có tổng diện tích 22 ha đất thu hồi của 295 hộ dân.

Theo Báo cáo ngày 23/12/2017 của UBND huyện Thủy Nguyên: Tổ công tác GPMB đã tổ chức họp dân công bố chủ trương thu hồi đất; chỉ đạo UBND xã công bố rộng rãi trên hệ thống truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, địa điểm sinh hoạt khu dân cư các thôn nơi có đất bị thu hồi. Tiến hành xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, xác minh các hạng mục, lập phương án bồi thường, hỗ trợ để lấy ý kiến của các hộ. Tổ công tác GPMB đã đến làm việc trực tiếp với từng hộ, giải thích về chế độ, chính sách, hỗ trợ người dân trong diện thu hồi đất, đồng thời lắng nghe và giải quyết kiến nghị của các hộ. Sau đó, các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và quyết định thu hồi đất được UBND huyện ban hành, họp công bố, niêm yết công khai và bàn giao trực tiếp đến các hộ dân.

 Trong số các hộ thuộc diện thu hồi, hầu hết đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất để thực hiện dự án, nhưng vẫn còn 09 hộ chưa nhận tiền, chưa chấp hành việc bàn giao đất. Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, UBND huyện Thủy Nguyên đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 09 hộ này.

 Tuy nhiên, khi Phóng viên (PV) báo BVPL đến địa phương tìm hiểu thực tế về công tác GPMB đã phát hiện, công tác kiểm kê, tính toán bồi thường cho dân của Tổ công tác GPMB huyện này được thực hiện rất cẩu thả, làm sai quy trình thu hồi đất, nên các hộ dân đã kiến nghị, nhưng việc giải quyết không triệt để, gây bức xúc cho một số hộ dân.

Gia đình ông Trần Văn Tiến và bà Nguyễn Thị Đào (xóm An Bình, xã An Lư, Thủy Nguyên) cho biết: “Một số cán bộ huyện và cán bộ xã đã đến nhà tôi kiểm kê tài sản, hoa màu trên đất, nhưng họ không đi kiểm kê, đo vẽ cụ thể từng loại cây cối hoa màu, vườn, ao nhà tôi, mà toàn ước lượng bằng mắt để ghi vào sổ. Tổng diện tích đất gia đình tôi quản lý sử dụng, ao hồ, đất vườn, kè bờ ao... không được kiểm kê, đưa vào phương án bồi thường. Một thời gian sau, tôi thấy họ giao cho gia đình tôi tới 3 phương án bồi thường theo Quyết định số 6675 của UBND huyện Thủy Nguyên ngày 04/10/2017 (không có biên bản bàn giao), trong đó có các phương án số 36/PA-PTQĐ, 04/PA-PTQĐ không có ngày tháng, phương án số 41/PA-PTQĐ ghi ngày 0 tháng 10 năm 2017. Tất cả các phương án đều có dấu đỏ, nhưng chữ ký của các cán bộ từ xã đến huyện đều là chữ ký photo. Tuy các phương án này có ghi là theo Quyết định thu hồi đất số 6675 của UBND huyện, nhưng Hội đồng bồi thường không giao Quyết định thu hồi đất cho gia đình...”.

Sau khi được chúng tôi hướng dẫn, tư vấn pháp luật, gia đình ông Tiến, bà Đào đã đề nghị Hội đồng bồi thường đến kiểm kê lại. Sau khi kiểm kê lại, Tổ công tác GPMB huyện đã thừa nhận thiếu sót “chưa kiểm kê đúng số cây cối, hoa màu, chưa đo vẽ diện tích đất vật lập 3 mảnh vườn và một số vật kiến trúc trên đất”.

Ngày 15/12/2017, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Thủy Nguyên tiếp tục ra Quyết định thu hồi đất số 9298 và Phương án bồi thường số 08, giao cho gia đình ông Tiến, bà Đào. Theo đó, số tiền bồi thường cho gia đình ông Tiến, bà Đào lần này đã tăng lên gần 169 triệu đồng so với phương án số 04 trước đó. Như vậy, gia đình ông Tiến, bà Đào lại có 2 quyết định và 2 phương án bồi thường khác nhau. Đây là cách làm vừa thiếu sót, vừa cẩu thả của một nhóm cán bộ trong Hội đồng bồi thường huyện Thuỷ Nguyên.

leftcenterrightdel
 Phương án bồi thường ngày 0 tháng 10 năm 2017 của Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Thuỷ Nguyên

Tuy nhiên, theo ông Tiến và bà Đào, Phương án số 08 lần này vẫn thiếu khối lượng vật lập diện tích bờ ao dài trên 200m và khối lượng kè gạch ba banh xung quanh bờ ao, thiếu 01 suất đất có thu tiền sử dụng đất của gia đình ông bà (vì gia đình có 2 hộ sinh sống trên đất, không có chỗ ở nào khác).

Khi gia đình ông Tiến, bà Đào tiếp tục kiến nghị Hội đồng bồi thường kiểm kê những phần còn thiếu, thì ngày 19/12/2017, UBND huyện ban hành ngay quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 09 hộ dân, trong đó có hộ của ông, bà.

Tại buổi đối thoại với dân, Chủ tịch UBND xã An Lư nêu: “lý do không đề nghị Hội đồng bồi thường xem xét cấp thêm một suất đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất cho gia đình bà Đào, ông Tiến vì “nghe nói” gia đình bà Đào đang xây dựng nhà ở trên đất của ông bà ngoại”.

Tuy nhiên, bà Đào lại cho biết, ngôi nhà đang xây đó là của anh, chị em bà góp tiền để xây nhà cho ông, bà ở và làm nhà từ đường. “Chủ tịch xã mà làm việc theo kiểu “nghe nói”, thì dân còn khổ!?” -  bà Đào than.

Chưa giao phương án bồi thường bổ sung...cứ cưỡng chế!


Trường hợp gia đình ông Trần Văn Đua (thôn An Trại, xã An Lư, huyện Thuỷ Nguyên) có tổng diện tích đất là 3745,6 m² là đất ruộng sâu trũng và đất khai hoang. Trong 6,2 sào đất công ích 5% của bố ông Đua chia cho ông Đua 2,2 sào, và hai người em gái của ông Đua là bà Xiếc 2 sào, bà Tha 2 sào để cấy lúa. Năm 1997, ông Đua đại diện cho 3 hộ gia đình làm văn bản xin phép và được sự đồng ý của UBND xã An Lư, ông Đua đã chuyển toàn bộ diện tích đất lúa trên sang làm vườn, đào ao nuôi thủy sản. Hàng năm, gia đình ông Đua và gia đình bà Xiếc, bà Tha vẫn nộp thuế và thủy lợi phí cho Hợp tác xã, có phiếu thu. Tuy nhiên, Quyết định thu hồi đất, GPMB số 9282  của UBND huyện Thuỷ Nguyên, ngày 15/12/2017 và Phương án bồi thường số 10 kèm theo, chỉ thể hiện thu hồi 2.232 m² đất nông nghiệp của ông Đua. Diện tích còn lại chưa được thu hồi và đưa vào phương án đền bù; phương án đền bù còn thiếu 540m³ đất vườn và 1.400m³ đất bờ ao; diện tích kè gạch bờ ao…

3 gia đình ông Đua, bà Xiếc và bà Tha đã nhiều lần có đơn đề nghị Hội đồng đền bù GPMB huyện xem xét hỗ trợ, bồi thường cho gia đình những phần còn thiếu và tính bù định mức ruộng 03 còn thiếu 2,8 sào cho 2 gia đình bà Xiếc và bà Tha, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

Ngày 15/12/2017, gia đình ông Đua nhận được Công văn số 2130/UBND-TNMT của UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng: “Toàn bộ diện tích vườn, ao nói trên của hộ ông Đua là tự ý chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang trồng cây hàng năm không đúng quy định. Căn cứ hồ sơ quản lý đất đai và hồ sơ thu nộp thuỷ lợi phí..., việc kiến nghị của gia đình là không có cơ sở để giải quyết.”.

Trong khi đến nay, Trưởng thôn An Trại là bà Hoàng Thị Lịnh đã khẳng định: “Số đất ruộng trên là của 3 gia đình anh, em ông Đua hàng năm vẫn đóng thuỷ lợi phí cho Hợp tác xã. Gia đình em gái ông Đua là bà Xiếc, bà Tha vẫn còn thiếu định mức ruộng 03 là 2,8 sào, đề nghị Hội đồng bồi thường xem xét tính cho gia đình bà Xiếc, bà Tha...”

Ngày 25/12/2017, PV báo BVPL đã làm việc với ông Bùi Doãn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, phản ánh về việc Tổ công tác GPMB của huyện làm việc cẩu thả, không kiểm tra diện tích đất vườn, ao thực tế của gia đình ông Đua là gần 4.000m2, trong khi quyết định thu hồi đất chỉ thu hồi 2.232m2 là không đúng.

leftcenterrightdel
 Cây cối, ao cá giống của gia đình ông Đua bị cưỡng chế tan hoang

Ngay buổi chiều tối ngày 25/12/2017, được sự chỉ đạo của ông Bùi Doãn Nhân, Tổ công tác của huyện đã về UBND xã An Lư họp với gia đình ông Đua. Tổ công tác đã thừa nhận thiếu sót trong công tác kiểm kê thực tế và lập biên bản tính toán khối lượng đất vườn, ao, vật kiến trúc còn thiếu để tiếp tục lập phương án bồi thường bổ sung cho gia đình ông Đua. Tuy nhiên, về định mức ruộng 03 còn thiếu (2,8 sào) của bà Xiếc, bà Tha lần này không được xem xét tính bù, mà sẽ được xem xét tính toán khi dự án tiếp tục lấy vào vườn, ao của gia đình bà Xiếc, bà Tha.

Biên bản đã lập, các bên đã ký, nhưng gia đình ông Đua chờ mãi mà không thấy Hội đồng bồi thường của huyện lập và giao Phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung những phần còn thiếu.

Ngày 12/1/2018, trong khi gia đình ông Đua chưa được bàn giao phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung, thì Tổ công tác của huyện đã cho người và máy ủi đến cưỡng chế chặt phá cây cối, cuốc tan bờ ao, đổ cát vào ao của gia đình ông Đua khiến toàn bộ số cá của gia đình ông Đua đã nuôi 4 tháng nay (ước tính trị giá khoảng trên 200 triệu đồng) bị thất thoát hoặc chết, không thể thu hoạch được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Doãn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: “Hội đồng bồi thường huyện đã có phương án bồi thường bổ sung cho gia đình ông Đua, tổng số 66 triệu đồng. Tôi sẽ cho kiểm tra lại là đã giao cho gia đình ông Đua chưa?”.

Trao đổi với Phóng viên báo BVPL cùng một cán bộ Công an Phòng An ninh nông thôn – Công an TP. Hải Phòng, ông Thân - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên thừa nhận: “Huyện đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho gia đình ông Đua, nhưng anh em trong Tổ công tác quên chưa bàn giao cho gia đình. Chúng tôi sẽ cho bàn giao ngay cho gia đình ông Đua...”.

Qua 2 trường hợp cụ thể mà PV báo BVPL được chứng kiến, có thể thấy Tổ công tác GPMB của Hội đồng bồi thường GPMB huyện Thủy Nguyên làm việc rất tắc trách, gây thiệt hại cho dân. Nếu không được tư vấn pháp luật kịp thời, 2 gia đình ông Tiến, bà Đào và gia đình ông Đua đã bị Hội đồng bồi thường GPMB huyện Thủy Nguyên làm mất đi hàng trăm triệu đồng là tài sản mồ hôi nước mắt của mình...

Quang Chiến