(BVPL) - Trong đơn kêu cứu của bà Lê Thị Lệ Chi, đại diện cho gia đình cho mượn đất xây trường ở huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, đã đến Trụ sở tiếp dân của Thanh tra Chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ dẫn của Ban Nội chính trung ương. Thế nhưng, bà liên tiếp bị từ chối 2 lần dù chỉ nhận đơn, lý do bị từ chối là đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Chính phủ? Tuy nhiên, trước đó Ban Nội chính đã khẳng định "thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Trưởng Bộ TNMT".
 
Công văn của Ban Nội chính khẳng định thẩm quyền giải quyết vụ việc của bà Chi thuộc Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Trưởng Bộ TNMT
Công văn của Ban Nội chính khẳng định thẩm quyền giải quyết vụ việc của bà Chi thuộc Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Trưởng Bộ TNMT.
 
Được biết, ông Lê Tấn Hành là cha bà Chi được thừa hưởng khu đất từ cha mẹ, có nguồn gốc từ ông bà nội là Lê Tấn Sĩ và Nguyễn Thị Giác để lại. Để tạo điều kiện cho con em của người dân địa phương được học hành, ông Hành làm giấy cho mượn một phần diện tích đất để xây trường học với thời hạn 15 năm. Theo đó, đến năm 1973 đã hết thời hạn mượn. Tuy nhiên vào thời điểm này địa phương vẫn chưa có trường học thay thế cho nên chậm thu hồi.
 
Năm 1990, Thanh tra huyện và Ban quản lý ruộng đất tiến hành đo đạc thực tế, diện tích được xác định 10.004m2, trong đó khu trường học là 4.036m2. Về sự thật này ngày 05/9/2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng khẳng định, đất của ông Hành được thừa hưởng từ cha mình, diện tích đo đạc năm 1992 là 10.004m2 nhưng đã cho mượn xây trường hết 4.036m2. Tuy nhiên phần diện tích còn lại, Phó Chủ tịch này lại cho rằng, đã có nhiều hộ lấn chiếm xây cất (?). Dù thực tế, đất cho mượn xây trường học và phần đất trống 5.968m2 còn lại có ranh giới là một con đường ngăn cách rõ ràng, sau đó cũng bị đưa vào diện quản lý như một phần đất trường học. Đến giữa năm 2011 khu đất được trưng dụng xây chợ (Khu A) và phân lô. Khu trường học cũng được biến thành chợ (khu B) nhưng không bồi thường cho chủ sở hữu.Ngoài đất trường học không có hộ nào sinh sống. Những căn nhà hiện nay được xây dựng sau khi chính quyền địa phương phân lô cấp cán bộ và bán cho người dân. Nổi bật là ngôi nhà cao tầng nằm ngay góc ngã tư đường đắc địa của một lãnh đạo đứng đầu địa phương.
 
Từ tháng 7/1990, ông Hạnh bắt đầu cuộc hành trình đi cầu cứu các cấp xem xét, giải quyết cho gia đình ông được nhận lại quyền sở hữu khu đất 5.968m2 mà huyện Chợ Lách đã quản lý nhưng chưa sử dụng. Đồng thời xin cấp quyền sử dụng đất cả hai khu phía Đông và khu phía Tây. Trong hành trình này, ông Chánh thanh tra huyện Chợ Lách - Bùi Quang Dẩu từng thừa nhận, phần đất có nguồn gốc và quá trình sử dụng đúng như gia đình ông Hành trình bày nhưng không giải quyết(?). Thanh tra huyện cho rằng gia đình ông Hành không khai trong sổ bộ của chế độ cũ?Thế nhưng, thực tế tất cả tài liệu liên quan đến khu đất này đều được còn lưu giữ, từ giấy hiến đất xây trường cho Hội đồng xã Sơn Định năm 1958, tờ thuận phân năm 1965 có xác nhận của chính quyền địa phương... Tất cả đều thể hiện khu đất thuộc sổ địa bộ 85 (sổ mới là 634, 635).Ông Lê Tấn Hành cho mượn đất làm trường học đến năm 1973 là chấm dứt, và đất đều có nguồn gốc sở hữu của ông Hành và được lưu giữ cẩn thận từ 1939 đến nay.
 
Trước đây, gia đình bà Chi liên tiếp phản ánh về những bức xúc, thậm chí ngao ngán khi chính quyền địa phương gần như không có bất kỳ động thái, thiện chí giải quyết vụ việc dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng. Bà Chi đã cầu cứu nhiều ban ngành, lãnh đạo trung ương vào cuộc xem xét để giải quyết dứt điểm vụ việc. Có lẽ xét thấy việc hiến đất cho địa phương xây trường học, phát triển giáo dục là việc làm đáng trân trọng, dù trong giai đoạn nào cũng luôn được xã hội và chính quyền ủng hộ và tôn vinh. Nên sau khi nhận được đơn, Ban Nội chính Trung ương cũng đã chuyển đơn đến Ban Nội chính tỉnh ủy Bến Tre để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Ban Nội chính tỉnh ủy Bến Tre cho rằng không có thẩm quyền xem xét giải quyết(?) Tiếp đó, Ban Nội Chính Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo một số Ban, ngành Trung ương xem xét, can thiệp để làm rõ vụ án chiếm đoạt tài sản của công dân của ông Bùi Quang Dẫu. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Chợ Lách bồi thường thỏa đáng phần đất đã sử dụng, cũng như trả lại phần đất chưa được trưng dụng cho gia đình bà Chi, và đã chuyển đơn đến UBND tỉnh Bến Tre xem xét, giải quyết. Thế nhưng, UBND tỉnh Bến tre vẫn phớt lờ những chỉ đạo này, dù thừa nhận diện tích đất mà bà Chi khiếu nại tọa lạc tại thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách có nguồn gốc của gia đình bà Chi? 
 
Hơn 40 năm, cùng 10 hộ gia đình với trên 40 nhân khẩu trong gia đình bà Chi lâm cảnh khó khăn về nơi ăn chốn ở dù ông bà, cha mẹ tạo dựng và để lại cho hơn 10.000m2 đất. Cách giải quyết và hành xử của cán bộ tiếp nhận và xử lý vụ việc đã phần nào phản ánh đúng thực trạng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng thành phố Hà Nội: ”Tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe… nhận được văn bản của cơ quan, đơn từ đề nghị của dân mà thích thì xử lý không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy”.
 
Thiết nghĩ, nhiều năm qua dư luận cho rằng, chính quyền địa phương không đả động đến quyền lợi của gia đình bà Chi cũng là điều dễ hiểu vì có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của một số cán bộ địa phương. 
 
Nhóm PVPL
.