Bị tâm thần vẫn được cấp bằng lái xe hạng B2

Theo hồ sơ từ cơ quan chức năng, vào ngày 6/10/2011, Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú tại thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được xác định là người khởi xướng, rủ rê và xúi dục 8 thanh niên khác gây ra một vụ án mạng khiến anh Y Nhôih Knưl (SN 1976, ngụ thị trấn Ea T’ling, huyện cư Jút) tử vong và anh Y’GrinYa bị thương tích 19%. Liên quan đến vụ án này, sau đó, các cơ quan chức năng đã truy tố 8/9 bị cáo với 2 tội danh: “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt cho 8 bị cáo này 87 năm tù.

leftcenterrightdel
Bằng lái xe hạng B2 của Nguyễn Xuân Lộc, chụp từ màn hình máy tính của Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi. Ảnh: NC. 

Trong đó, riêng bị cáo Nguyễn Xuân Lộc, tại biên bản giám định pháp y tâm thần số 09 ngày 4/01/2012 của Viện giám định Pháp y tâm thần Trung ương phân viện phía Nam kết luận: Về y học, trước, trong, sau khi gây án và hiện nay Lộc bị rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, sa sút tâm thần thực tổn. Về pháp luật: Tại thời điểm gây án và hiện nay Lộc không đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, ngày 16/01/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Lộc.

Thế nhưng, vào cuối năm 2013 (sau 2 năm xảy ra vụ án khiến anh Y Nhôih Knưl tử vong), Lộc lại trở thành 1 trong 60 học viên tham dự lớp học lái xe hạng B2 tại Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn – Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi, lớp học lái xe hạng B2 nói trên, khai giảng vào ngày 15/10/2013 và bế giảng vào ngày 15/01/2014. Cho đến ngày 22/01/2014, Lộc chính thức được cấp bằng lái xe hạng B2.

Ông Sơn thông tin: “Trước khi làm hồ sơ, tất cả học viên phải đi khám ở Bệnh viện tuyến huyện trở lên và các Phòng khám đa khoa được cấp phép khám theo quy định, khi được chứng nhận đủ đảm bảo về sức khỏe thì học viên mới đủ điều kiện học, thực hành… đến khâu cuối cùng là sát hạch rồi mới được cấp bằng. Sau khi kết thúc khóa học và đạt mọi điều kiện theo quy định thì được Sở GTVT cấp bằng cho học viên, khi học viên nhận bằng lái xe tất cả hồ sơ gốc phải trả lại cho học viên, trường chỉ lưu lại danh sách và các thông tin liên quan đến học viên”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Mạnh – Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết, trước khi học viên đăng ký học lái xe thì phải nộp các giấy tờ liên quan gồm: Giấy khám sức khỏe, giấy CMND (bản phô tô)… cho Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe theo trình tự được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ theo quy định của Bộ GTVT đề ra. Sau khi, học viên hoàn thành khóa học và đủ mọi điều kiện đạt thì hồ sơ học viên được Trung tâm đào tạo lái xe gửi về Sở GTVT để tiến hành cấp bằng lái theo quy định và khi trao trả bằng lái Sở GTVT cũng giao lại hồ sơ gốc cho các học viên. Trong trường hợp này nếu cơ quan chức năng, có kết luận và gửi thông báo học viên này bị tâm thần không thể lái xe được thì Sở GTVT sẽ làm các thủ tục để thu hồi bằng lái xe B2 đã cấp cho học viên này theo quy định.

Tiếp tục gây án mạng lần 2

Vào khoảng 23 giờ ngày 20/01/2016, Nguyễn Xuân Lộc điều khiển ô tô chở nhóm bạn cùng với Trần Kiêm Hoàng (SN 1985, trú thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đi xe mô tô đến ăn tối tại một quán phở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thì xảy ra mâu thuẫn với anh Nguyễn Anh Kha (SN 1986, ngụ phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Trong lúc xô xát, Lộc rút súng K59 đã mua trước đó bắn một phát chí mạng, khiến anh Kha tử vong.

Sau đó, Lộc đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố về tội “Giết người” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Tuy nhiên, tại bản kết luận pháp y tâm thần số 61 ngày 2/8/2016 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên kết luận: Nguyễn Xuân Lộc, trước, trong và sau khi gây án bị rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn; hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện tại chưa có đủ năng lực để làm việc với cơ quan pháp luật và đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can và đề nghị VKSND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc, khi nào ổn định sẽ xử lý sau. Đến ngày 9/6/2017, VKSND tỉnh có công văn số 374 gửi Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng về việc thông tin trao đổi chữa bệnh bắt buộc đối với Lộc, tiếp đến ngày 23/4/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk có công văn số 1361 về việc cho biết kết quả điều trị của bị can Nguyễn Xuân Lộc, nhưng Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng vẫn chưa trả lời kết quả chữa bệnh của Lộc. Do đó, chưa có cơ sở để xử lý Lộc theo quy định pháp luật.

Ngày 3/8/2017, tại bản án số 34/2017/HSST, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt Hoàng 18 năm tù về tội “Giết người”. Sau đó, vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm, ngày 27/9/2017 TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 34/2017/HSST của TAND tỉnh Đắk Lắk. Bản án số 248/2017/HSPT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nêu rõ, qua diễn biến hoạt động trước và sau giai đoạn gây án, Lộc đã điều khiển xe ô tô chở bạn đi ăn phở; tại các bản tự khai và các biên bản lấy lời khai cho thấy Lộc rất tỉnh táo khi khai báo về diễn biến hành vi phạm tội của mình rất rõ ràng, cụ thể… Đến ngày 7/9/2018 TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên Tòa xét xử sơ thẩm (lần 2), tuyên phạt bị cáo Trần Kiêm Hoàng tổng hình phạt 20 năm tù với 2 tội danh: “Giết người” và “Sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Lộc vẫn chưa có cơ sở xử lý theo quy định.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nguyễn Chính