(BVPL) - Là bị can trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bị Công an TP. Hà Nội bắt vào tháng 4/2015 theo quyết định truy nã với lý do bị can bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên theo phản ánh của bà Lê Hồng Đặng (SN 1975, địa chỉ: thôn 7, xã Đắk wer, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông) - bị can trong vụ án thì trong vụ án này, việc cho rằng bà bỏ trốn khỏi nơi cư trú sau khi đã nhận tiền là chưa thực sự thuyết phục, phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan để tránh xảy ra oan sai…
 
 
Đơn kêu oan của bà Lê Hồng Đặng gửi báo BVPL phản ánh, bà là Chủ tịch HĐTV, Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Hồng Đặng được thành lập năm 2003 có trụ sở tại thôn 7, xã Đắk wer, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông. Vào khoảng tháng 6/2013, thông qua mối quan hệ xã hội bà quen với ông Phạm Gia Khải ở Thanh Xuân, Hà Nội và được giới thiệu là ông Khải là bác sỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Việt Nam. Sau một thời gian quen biết, hợp tác làm ăn thì hai bên đã xảy ra mâu thuẫn và tố cáo lẫn nhau. Sau đó, qua một thời gian điều tra, tháng 8/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã có kết luận điều tra với nội dung cho rằng lợi dụng lòng tin từ việc giới thiệu có các mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, bà Đặng đã chủ động yêu cầu ông Phạm Gia Khải đưa tiền để mua cổ phần của Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Thạch Anh - Cao Nguyên cho ông Khải và “xin” 500ha đất để trồng Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum. Khi nhận tiền, bà Đặng đã dùng mọi thủ đoạn như bận công việc, chứng minh thư mờ số để tránh việc ký nhận tiền nhằm mục đích chiếm đoạt. Cũng theo kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, bà Đặng đã nhận và chiếm đoạt của ông Khải số tiền là 2.120.000.000đ gồm 250 triệu đồng ngày 6/8/2013; 1,2 tỷ đồng ngày 14/8/2013; 500 triệu đồng ngày 15/8/2013; 120 triệu đồng ngày 16/8/2013 và 50 triệu đồng 31/8/2013. Sau khi chiếm đoạt được tiền của ông Khải, bà Đặng bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã nhiều lần gửi giấy mời, giấy triệu tập đồng thời đã động viên gia đình thuyết phục nhưng bà Đặng không đến làm việc, không có mặt tại nơi cư trú. Ngoài ra, tại kết luận điều tra bổ sung ngày 20/1/2016 Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội còn cho rằng, việc bà Đặng xin Giấy xác nhận của Công an xã Đắk wer, đến làm việc tại Công an tỉnh Đắk Nông là thủ đoạn che dấu hành vi trốn.
 
Với những nhận định và kết luận nêu trên của Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, bà Đặng cho rằng, việc nhận định trên là theo kiểu duy diễn, chủ quan và không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ, tại Đơn xin xác nhận của bà Đặng đề ngày 2/4/2015, Công an xã Đắk wer đã xác nhận bà Đặng là công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương, thường xuyên ở nơi cư trú, hoàn toàn không có việc bỏ trốn khỏi địa phương và vẫn thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân theo đúng quy định của pháp luật. Đối với nội dung cho rằng bà Đặng không đến làm việc theo yêu cầu của cơ quan Công an, bà Đặng cho biết, vào tháng 3/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội có gửi giấy triệu tập bà đến để làm việc nhưng do ngày tháng ghi trên giấy triệu tập không rõ ràng, không đọc được nên bà đã đem giấy này lên Công an tỉnh Đắk Nông đề nghị gửi công văn yêu cầu Công an Hà Nội ghi rõ ràng lại ngày tháng trên giấy để bà biết mà đến làm việc. Tuy nhiên sau đó bà không thấy cơ quan công an trả lời về nội dung này.  
 
 
Liên quan đến nội dung này, sau khi xem xét nội dung vụ việc, thu thập một số tài liệu, chứng cứ có liên quan, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có văn bản gửi VKSND TP. Hà Nội và Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho rằng, bà Lê Hồng Đặng không bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bà Đặng cũng không có ý thức trốn tránh các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra. Theo đó, số điện thoại đăng ký trả sau mà bà Đặng sử dụng vẫn mở sẵn và thường xuyên liên lạc, không tắt máy để liên lạc với mọi người trong thời gian qua. Mặt khác bà Đặng đã chủ động nhiều lần đến cơ quan điều tra để làm việc như tại cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội ngày 17/4/2014, cơ quan điều tra Công an Đắk Nông vào năm 2014 và lần gần đây nhất là các ngày 26 và 27/3/2015. Ngày 2/4/2015, bà Lê Hồng Đặng trình báo sự việc và đến Công an xã Đắk wer (nơi cư trú) để xin xác nhận về việc thường xuyên có mặt tại nơi cư trú và được Trưởng Công an xã xác nhận nội dung này. Thêm vào đó, cũng theo Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, bà Lê Hồng Đặng là cổ đông sáng lập nắm giữ 50% cổ phần Công ty cổ phần Hồng Đặng tại Đắk Nông trong đó ông Phạm Gia Khải (người tố cáo) nắm giữ 50% cổ phần, Công ty này có vốn điều lệ 10 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị. Như vậy việc xác định bà Lê Hồng Đặng bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của ông Phạm Gia Khải là chưa khách quan. Từ các căn cứ nêu trên, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng đề nghị VKSND TP. Hà Nội và Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội xem xét vụ án một cách khách quan, tránh oan sai.
 
“Tôi khẳng định tôi không có hành vi chiếm đoạt tài sản theo như tố cáo của ông Phạm Gia Khải và kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội. Tôi càng không hề có ý định bỏ trốn mà luôn sẵn sàng hợp tác với cơ quan tố tụng khi có yêu cầu. Do đó, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam tôi về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là gây oan sai cho tôi, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự, uy tín và tài sản của cá nhân tôi cũng như Công ty TNHH Hồng Đặng. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét lại vụ án đểkhông làm oan cho tôi cũng như tránh bỏ lọt tội phạm trong vụ án này”- bà Đặngphản ánh. Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.  
 
Nhóm P.V
 
.