Không kê biên, định giá lại tài sản - nguy cơ thiệt hại lớn
Cập nhật lúc 09:58, Thứ sáu, 06/07/2018 (GMT+7)
Ngày 29/10/2013, TAND tỉnh Thanh Hóa ra Bản án số 06/2013/DSPT quyết định Công ty TNHH Tây Đô, địa chỉ: 154 Lê Hoàn, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Công ty Tây Đô) phải trả cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 109.199.137.558 đồng.
Ngay sau đó, theo yêu cầu của phía Ngân hàng, Chi cục THADS thành phố Thanh Hóa, sau này là Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, việc cưỡng chế thi hành án không liên tục và kéo dài từ đó đến nay đã gần 5 năm do bị tạm đình chỉ, rồi đình chỉ. Sau 6 lần giảm giá, ngày 10/7/2018, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức bán đấu giá tài sản với giá khởi điểm là 98.442.443.000 đồng.
Theo Luật sư Lê Hồng Cảnh – Văn phòng Luật sư Công chúng Olympia thì cần kê biên định giá lại tài sản để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thiệt hại cho Nhà nước, bởi lẽ:
Việc bán đấu giá tài sản vẫn căn cứ vào Chứng thư Thẩm định giá ngày 31/12/2014, trong khi Chứng thư này chỉ có hiệu lực 06 tháng đối với bất động sản, 03 tháng đối với máy, thiết bị, công cụ dụng cụ và các loại hình tài sản, chi phí khác là trái với khoản 3 Điều 32 Luật Giá năm 2012.
Giá tài sản trong danh mục kê biên để định giá năm 2014, hiện nay do thời giá thay đổi, có giá khoảng trên 500 tỷ đồng. Nếu không định giá lại (giá thu về giả thiết là 98.442.443.000 đồng) thì sẽ không đủ trả cho ngân hàng, chưa kể tiền lãi hàng chục tỷ đồng, tiền án phí, chi phí cưỡng chế thi hành án… (Công ty Tây Đô đã hai lần nộp đơn tuyên bố phá sản), dẫn đến thất thoát cả trăm tỷ đồng của Nhà nước, mặt khác gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Công ty Tây Đô. Trách nhiệm này ai chịu?
Sau khi có Quyết định 07/QD-CCTHADS ngày 18/4/2017 của Chi cục THADS thành phố Thanh Hóa giải tỏa kê biên tài sản, Công ty Tây Đô đã bổ sung thêm nhiều tài sản ngoài danh sách kê biên như: Khối nhà kính phía sau rộng 200m2 giá trị khoảng 1 tỷ đồng; Toàn bộ hệ thống cửa kính cho các khối nhà giá trị khoảng 16 tỷ đồng; trồng thêm hơn 900 cây gỗ sưa giá trị cũng hàng tỷ đồng… Như vậy, nếu không kê biên những tài sản này thì sau khi bán đấu giá, những tài sản này sẽ xử lý như thế nào?
Hiện nay, Công ty Tây Đô liên tiếp gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Thiết nghĩ, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại việc kê biên, định giá lại tài sản của Công ty Tây Đô tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước, thiệt hại cho doanh nghiệp và giải quyết dứt điểm vụ việc.
M.H