Tài nguyên khoáng sản là “tài sản công”
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị xây dựng dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì xây dựng, trong bối cảnh tình hình đất nước đã có nhiều chuyển biến lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt, các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã từng bước được cụ thể hóa, trong đó nội dung cơ bản là bảo đảm thực hiện nguồn thu ngân sách Nhà nước từ khoáng sản.
Trong khi đó, Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, nhiều chế định pháp lý của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế; một số quan hệ mới trong hoạt động khoáng sản phát sinh trong thực tiễn cần phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Cùng với đó, một số Luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch…, một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư… thì Luật Khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ thống nhất giữa các Luật. Do đó Luật Khoáng sản 2010 có những nội dung bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nên cần phải được sửa đổi.
Việc xây dựng Luật phải thực hiện đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với tài nguyên địa chất, khoáng sản. Trong đó, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý; việc khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật khoáng sản (sửa đổi) quy định về điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam. Khoáng sản là dầu khí; khoáng sản là nước thiên nhiên không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Liên quan đến tài chính về địa chất, khoáng sản, theo dự thảo Tờ trình, mục tiêu của chính sách nhằm quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế để phát huy nguồn lực tài chính để tạo nguồn tái đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.
Xác định tài chính về địa chất đảm bảo tính khả thi của Luật, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước, sự cân đối hài hòa giữa lợi ích của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước.
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời, bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến trình cải cách dịch vụ công và sự ổn định hoạt động của bộ máy Nhà nước, hướng tới mục tiêu phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, giảm thu ngân sách Nhà nước.
Thống nhất quản lý, nâng cao chất lượng công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cấp, các ngành và tạo khung pháp lý cơ bản để các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra và thực thi đầy đủ các quy định pháp luật về việc chấp hành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản.
Phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa các nội dung cần hướng dẫn thực hiện sau khi ban hành Luật Khoáng sản (sửa đổi); trình tự thủ tục rút gọn, nhanh chóng tạo thuận lợi trong thực hiện.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong từng giai đoạn từ lập kế hoạch đấu giá, xây dựng hồ sơ mời đấu giá, lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tổ chức phiên đấu giá và phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
Đồng thời, hoàn thiện hơn nữa quy trình tổ chức “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” chung trên toàn quốc, tuân thủ Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên, phải có đề xuất, phương án “đặc thù” cho tài sản là “quyền khai thác khoáng sản”.
3.679 khu vực, 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác gần 50 loại khoáng sản
Trước đó, theo thống kê, tính đến đầu năm 2021, cả nước có 3.679 khu vực được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân đang khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại khoáng sản như đá, sét, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, than, đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, đá ốp lát…
Trong đó, có gần 3.000 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phần lớn ở quy mô nhỏ và trên 500 khu vực khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp đang hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo 8.082 giấy phép (3.182 giấy phép thăm dò và 4.900 giấy phép khai thác khoáng sản) do cơ quan Trung ương và các địa phương cấp phép.
Trong đó, số lượng giấy phép đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT là 753 giấy phép, gồm: 332 giấy phép thăm dò khoáng sản; 421 giấy phép khai thác khoáng sản và số lượng giấy phép đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh là 7.347 giấy phép, gồm 2.850 giấy phép thăm dò khoáng sản; 4.479 giấy phép khai thác khoáng sản.
Nhìn chung, số lượng tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố phù hợp với phân bố khoáng sản chung của cả nước. Một số tỉnh có số lượng tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản tương đối nhiều như: Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Thọ,... Tuy nhiên, cũng có địa phương không có hoạt động khoáng sản như Bạc Liêu hoặc có số lượng doanh nghiệp tham gia ít như Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về cơ bản, đến nay đã khắc phục được tình trạng cấp phép khai thác “tràn lan“, số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cấp mới hàng năm thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh giảm so với các năm trước nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của các địa phương và khu vực.