Cùng dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hơn 300 đại biểu đại diện cho hơn 16.000 luật sư toàn quốc dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội diễn ra trong hai ngày ngày 25/12 và 26/12.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Trọng Tùng.  

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là một sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định sự phát triển lớn mạnh không ngừng về tổ chức và hoạt động của Luật sư Việt Nam trong những năm qua. Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của giới Luật sư Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong những năm qua, đội ngũ Luật sư trong cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh.

Các Luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đã thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, góp phần phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Niềm tin của công dân, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đối với đội ngũ Luật sư Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Nhiều tổ chức hành nghề Luật sư đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.

Cùng với đó, sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong hai nhiệm kỳ qua đã cho thấy, Liên đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn Luật sư, các Luật sư trong cả nước; tập hợp và tổ chức, động viên Luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống các vi phạm; góp phần củng cố và tăng cường pháp chế trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động xã hội.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới Luật sư Việt Nam, góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III. Ảnh: Trọng Tùng.  

Song, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, nghề luật sư cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức không nhỏ: tỉ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển trên thế giới, chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế, phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận nhỏ luật sư chưa cao, chưa chuyên nghiệp… Ở một số đoàn luật sư, năng lực tự quản còn hạn chế, việc giám sát, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, công tác quản lý nhà nước về luật sư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm với các luật sự trong khu vực và trên thế giới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật; nâng cao hình ảnh, uy tín nghề nghiệp, địa vị của luật sư đối với xã hội; giữ vững niềm tin của nhân dân, của xã hội, của khách hàng với đội ngũ luật sư nước ta.

Để các luật sư của nước ta có thể thành công trên sân nhà và gặt hái kết quả khi bước vào "sân chơi" chung của quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị Liên đoàn có biện pháp xây dựng các nhóm luật sư chuyên môn sâu để tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, công tác rà soát thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho người dân. Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên môn trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót; kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp; loại bỏ khỏi đội ngũ luật sư những cá nhân thoái hóa, biến chất, lợi dụng hoạt động luật sư để trục lợi, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

leftcenterrightdel
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh tái cử Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III. Ảnh: Trọng Tùng.  

Trong hai ngày làm việc, kết quả Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III đã bầu luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.

Hội đồng luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III đã bầu ra 5 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III gồm các luật sư: Phan Trung Hoài (TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Hải Nam (TP Hồ Chí Minh); Đào Ngọc Chuyền (TP Hà Nội); Nguyễn Thị Quỳnh Anh (TP Hà Nội); Lưu Tiến Dũng (TP Hà Nội).

Đại hội cũng đã bầu ra được 31 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III trên tổng số 94 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc (trong đó có 63 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đương nhiên là Chủ nhiệm của 63 Đoàn Luật sư). Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra 21 ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn.

 

Vũ Phương