Thông báo số 480 của Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Trong đó, nội dung quan trọng đó là, sau đợt giãn cách thứ 3 (kết thúc vào 6h sáng 6/9), Hà Nội vẫn áp dụng theo Chỉ thị 16 tại "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng xanh" áp dụng cao hơn Chỉ thị 15 (15+).

Trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Cụ thể được phân vùng theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam thành phố (sản xuất nông nghiệp).

leftcenterrightdel
 Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung rất phức tạp. Ảnh: Hoàng Phong. 

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao - “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Thông báo số 480 của Thường vụ Thành uỷ Hà Nội cũng đánh giá, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, Hà Nội vẫn là nơi nguy cơ cao lây lan dịch.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại chốt kiểm soát số 2, Quốc lộ 1B.  

Chiều 2/9, UBND TP Hà Nội thông tin, Chủ tịch Chu Ngọc Anh vừa ký công văn gửi các cơ quan liên quan về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế, xã hội.

UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, trực tiếp là các đồng chí Thủ trưởng, Tư lệnh ngành coi công tác chủ động tấn công, dập dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”; đồng thời, tập trung phát triển KT-XH, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời gian giãn cách Thành phố.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị ủy, yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên chủ trì họp giao ban đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được của đơn vị; nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố và tại các đơn vị;

Trọng tâm là rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại Thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/9/2021, Thông báo số 480-TB/BTV ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Thành phố đã rất cố gắng, nỗ lực ngày đêm không nghỉ phòng, chống dịch bệnh, song thực tế vẫn còn xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, bỏ trống chốt kiểm dịch tại một số địa bàn hoặc có lực lượng chức năng nhưng không kiểm soát; sở chỉ huy tiền phương vắng lực lượng chức năng chốt trực; số lượng người dân ra đường vẫn rất lớn…

Vũ Phương