Những kết quả nổi bật
Theo đó, Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Hà Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm theo đúng chỉ đạo của Ngành. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự ngày càng nâng cao, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và xuyên suốt quá trình giải quyết các vụ án hình sự; tỷ lệ bắt giữ hình sự chuyển khởi tố đạt cao 100% (vượt 3% so với chỉ tiêu Ngành).
Kiểm sát viên tích cực, chủ động bám sát quá trình thu thập tài liệu chứng cứ của CQĐT cùng cấp, chủ động ban hành yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, tham gia hoặc trực tiếp hỏi cung bị can và tiến hành nhiều hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết vụ án được khách quan, triệt để, toàn diện; tỷ lệ truy tố đúng hạn, đúng tội đều vượt chỉ tiêu NQ96 của Quốc hội và NQ13 của HĐND tỉnh; không để xảy ra trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm; hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng do có lỗi của Kiểm sát viên.
|
|
Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX. |
Để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Viện kiểm sát 2 cấp đã chủ trì, phối hợp với 3 Ngành làm án cùng cấp xây dựng 69 vụ án trọng điểm; 30 phiên tòa “số hóa hồ sơ vụ án“, công khai tài liệu chứng cứ tại phiên tòa, 45 phiên toà hình sự, dân sự rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, 7 phiên tòa trực tuyến theo NQ33 của QH, 2 phiên tòa xét xử lưu động xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án được dư luận đồng tình ủng hộ, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được tăng cường, phát hiện được nhiều vi phạm, đã ban hành 8 kháng nghị phúc thẩm; 45 văn bản kiến nghị, 61 kết luận có nội dung kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục thiếu sót, vi phạm trong công tác kiểm sát điều tra, giam giữ, THA và kiểm sát việc thụ lý, giải quyết án dân sự, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật; ban hành 16 kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan để phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Về số lượng và chất lượng kháng nghị, kiến nghị ngày càng được nâng cao (đều vượt chỉ tiêu NQ96 của Quốc hội và NQ13 của HĐND tỉnh).
Ngoài ra, VKSND tỉnh đã báo cáo đề nghị VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 2 vụ án. Kết quả VKSND cấp cao đã ban hành kháng nghị Giám đốc thẩm 1 vụ (1 vụ chưa có thông báo kết quả giải quyết).
Đồng chí Viện trưởng cũng đã khẳng định, để đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực cố gắng của tập thể Lãnh đạo và công chức Viện kiểm sát 2 cấp, ngành KSND tỉnh Hà Nam còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy địa phương, sự giám sát thường xuyên của HĐND, sự phối hợp giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan tư pháp và sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh.
Những đề xuất, kiến nghị
|
|
Đồng chí Trần Thế Kính - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2023 tại kỳ họp. |
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội năm 2023, ngành KSND tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị HĐND tỉnh về 1 số giải pháp như:
Chú trọng giám sát công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, chấp hành nghĩa vụ thuế, quản lý tài sản công, tài chính công, công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư,... là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, cũng là nội dung đang được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.
Tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, để hoạt động tư pháp tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, môi trường, đất đai, khoáng sản, quản lý thị trường, quản lý thuế, bảo hiểm, đăng kiểm, y tế, giáo dục,.... để hạn chế thấp nhất phát sinh vi phạm, tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cơ chế chính sách, đồng hành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nhằm khắc phục các sai phạm và triệt để thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.