leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Phòng Truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân nhân dịp đồng chí dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII. Ảnh: Công Ngọc

Lịch sử 65 năm đồng hành cùng cách mạng Việt Nam

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức VKSND, đánh dấu sự ra đời của VKSND trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, ngành KSND đã có những chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. Các thế hệ cán bộ ngành KSND được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực thi pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất. Lịch sử phát triển của Ngành đã trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều dấu mốc son quan trọng. 

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1960 đến năm 1975, hệ thống VKSND các cấp được hình thành, vừa xây dựng kiện toàn tổ chức bộ máy vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ với định hướng công tác kiểm sát gắn với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sản xuất, củng cố hậu phương vững chắc, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam.  

Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1986, VKSND tiếp tục mở rộng, kiện toàn tổ chức và hoạt động trên quy mô cả nước, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Giai đoạn từ năm 1987 đến năm 2001, VKSND tập trung đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.  

Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2010 đánh dấu sự thay đổi lớn về chức năng, nhiệm vụ, ngành KSND không thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung), tập trung thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.  

Giai đoạn 2011 đến năm 2015, ngành KSND đã đề ra và thực hiện chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá; tạo được sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác.  

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Phòng Truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân nhân. Ảnh: ND

Từ năm 2016 đến nay, ngành KSND đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả” là kim chỉ nam trong thực thi nhiệm vụ. Đảng ủy, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao luôn chọn công tác cán bộ là khâu đột phá; đặt ra yêu cầu cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, với yêu cầu người đứng đầu phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”, cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Toàn Ngành bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp; thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.  

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy VKSND tối cao.

Năm 2025, thực hiện chủ trương của Đảng “sắp xếp lại giang sơn”, bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới hoàn thiện bộ máy Nhà nước, hoàn thiện thể chế, tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ, mọi lợi ích thuộc về Nhân dân. 

Từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tổ chức bộ máy và hoạt động của VKSND 3 cấp có hiệu lực thi hành, hệ thống tổ chức VKSND 3 cấp gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực; VKSND đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy 27 đơn vị thuộc VKSND tối cao, 34 VKSND cấp tỉnh (sau hợp nhất), 355 VKSND khu vực; kết thúc hoạt động đối với 3 VKSND cấp cao và 693 VKSND huyện; bước đầu bố trí địa điểm, trụ sở, các điều kiện làm việc của VKSND các cấp và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo đúng lộ trình, kế hoạch. Sự kiện chính trị này đã ghi thêm dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành KSND cùng với việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. 

Dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp bảo vệ công lý, giữ gìn kỷ cương pháp luật

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn gìn giữ và phát huy những phẩm chất cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Những phẩm chất này là kim chỉ nam, là động lực để ngành KSND không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần giữ vững kỷ cương, pháp chế, bảo vệ công lý và xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trên hành trình phát triển đầy thách thức nhưng cũng rất đỗi tự hào, ngành KSND những năm gần đây đã khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa và củng cố niềm tin của Nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong từng giai đoạn, ngành KSND đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác. Kết quả, chất lượng công tác năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Trong đó, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm: Giai đoạn 2016 - 2020 là 540.754 nguồn tin; giai đoạn 2021 - 2025 là 613.433 nguồn tin; 100% nguồn tin về tội phạm được kiểm sát ngay từ khi thụ lý, giải quyết. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Phòng Truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân, nhân dịp đồng chí tham dự Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2025.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra: Giai đoạn 2010 - 2015 là 358.447 vụ/545.435 bị can; giai đoạn 2016 - 2020 là 381.499 vụ/538.052 bị can; giai đoạn 2021 - 2025 là 422.738 vụ/665.900 bị can; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. 

Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử: Tính từ năm 2010 đến nay đã phát hiện vi phạm và ban hành 13.411 kháng nghị phúc thẩm; ban hành 2.599 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 80,7% (vượt 5,7%).

Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng khẳng định vai trò là thiết chế kiểm soát quyền lực quan trọng trong lĩnh vực tư pháp. Với tinh thần chủ động, bản lĩnh, đơn vị đã điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ trong nội bộ các cơ quan tư pháp, góp phần bảo vệ sự liêm chính của bộ máy. Tỉ lệ giải quyết án đạt 94,6% với 292 kiến nghị xử lý hàng trăm cán bộ tư pháp có sai phạm, góp phần ngăn ngừa vi phạm từ sớm, từ xa và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tư pháp.

Viện kiểm sát quân sự các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quân đội, xử lý nghiêm nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, góp phần bảo vệ sự trong sạch của lực lượng vũ trang, giữ gìn trật tự nội bộ và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc vai trò là “người gác cửa công lý”, ngành KSND xác định công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại và lao động là nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá. Ngành tập trung đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và xã hội.

Tính riêng trong 10 năm qua, toàn Ngành đã kiểm sát việc giải quyết hàng triệu vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Qua đó, đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục vi phạm của các cơ quan liên quan. Tiếp tục tăng cường các công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

leftcenterrightdel
  Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ trực thuộc VKSND tối cao gồm 23 đơn vị (ngày 12/2/2025) và Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Đặc biệt, ngành Kiểm sát đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn mà dư luận xã hội quan tâm. Quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực về công tác phòng, chống tham nhũng, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (như: các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á; Vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Vụ án Vạn Thịnh Phát, Vụ án tại Tập đoàn FLC, Vụ án Công ty AIC, Vụ án Xuyên Việt Oil, các vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An…).  

Trong giai đoạn 2010 - 2025, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 73.888 tỉ đồng.

Mới đây, phát biểu tại Lễ báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định: Với truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng và trưởng thành, cùng những thành tựu đã đạt được, ngành KSND sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Ngành KSND luôn khắc ghi lời dạy của Bác, không ngừng đổi mới, phấn đấu chuyên nghiệp, hiện đại, tự tin vững bước tiến vào kỷ nguyên mới; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ghi nhận những đóng góp to lớn trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng năm 2010; ba lần đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh vào các năm 1985, 1990, 2020; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2015 cùng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới được trao tặng đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân là minh chứng sống động cho chặng đường vẻ vang và rất đỗi tự hào.

Nhóm PV