leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn chiều 20/3 tại Hội trường Diên Hồng (ảnh: VPQH cung cấp).

Trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã có phần phát biểu ngắn gọn. Viện trưởng Lê Minh Trí bày tỏ niềm tin dù nhiệm vụ khó đến đâu nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được nhân dân đồng tình ủng hộ, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương, ngành KSND sẽ nỗ  lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngay sau phần phát biểu mở đầu, Viện trưởng Lê Minh Trí đã trả lời cụ thể, chi tiết từng nội dung chất vấn của các vị ĐBQH.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội chiều 20/3 (ảnh: VPQH cung cấp).

Giải quyết đạt và vượt chỉ tiêu đối với những vụ việc VKSND có hồ sơ

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về vấn đề giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dưới góc độ ngành Kiểm sát, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta có tâm lí sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều. 

Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả Tòa án và VKS. Tuy nhiên, 2 ngành cùng giải quyết 1 vụ việc thì ngành nào thuận lợi hơn, ngành kia sẽ không làm. Như vậy, lại dẫn đến tình trạng không đạt tỉ lệ giải quyết.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, đối với những vụ việc mà VKS có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành Kiểm sát không đạt bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ. 

Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực lớn cho cả Tòa án và VKS. Ngành Kiểm sát cũng đã rất nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỉ lệ giải quyết đơn.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao, trong thời gian tới, cần đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của Ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ chính trị hàng đầu

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, đây là chủ trương xuyên suốt của ngành KSND, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, 2 yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm, là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đây là một yêu cầu rất cao, do đó, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với ngành KSND là phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao cũng có Chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.

leftcenterrightdel
 Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng (ảnh: VPQH cung cấp).

Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, lãnh đạo VKSND tối cao đề ra yêu cầu Viện trưởng VKS các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị…

Bên cạnh đó, ngành KSND cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Ngành, đơn vị các cấp. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu

Trả lời câu hỏi của ĐBQH liên quan đến vấn đề công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, lãnh đạo VKSND tối cao đã yêu cầu Kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như: bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung, đối chất, nhận dạng.

Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật…

leftcenterrightdel
 Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời chất vấn của các vị ĐBQH (ảnh: VPQH cung cấp).

Sẽ mở chuyên khoa đào tạo cho cán bộ điều tra

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, VKSND xác định không chạy theo số lượng mà tập trung vào điều tra các vụ án đã xác định, án trọng điểm.

Còn vấn đề thụ lý tin báo tội phạm, do Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ có 1 cấp duy nhất, số lượng cán bộ rất ít (chưa đến 200 người – PV), lĩnh vực lại trải dài trên phạm vi cả nước nên thời gian tới, sẽ giải quyết vấn đề này theo hướng giao cho cán bộ thuộc VKSND cấp tỉnh tiếp nhận, phân loại đơn trước, đến khi thấy có căn cứ sẽ chuyển về cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao giải quyết.

Ngoài ra, thời gian tới, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội dự kiến cũng sẽ mở chuyên khoa về đào tạo điều tra cho cán bộ điều tra, cũng như mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm điều tra tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh. 

leftcenterrightdel
 Phiên chất vấn được trực tuyến từ Hội trường Diên Hồng đến điểm cầu của 62 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ảnh: VPQH cung cấp).

Tự đào tạo và học ngay trong công việc

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong bối cảnh tranh chấp dân sự phát sinh phức tạp, số lượng vụ việc tăng khoảng 15%/năm, nhưng biên chế không tăng. Trong bối cảnh đó, ngành Kiểm sát nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo phương châm: 1 người biết nhiều lĩnh vực và chuyên sâu 1-2 lĩnh vực.

Trong đào tạo cán bộ, ngành KSND thực hiện theo hướng tự phân công kèm cặp là chính, học ngay trong thực tiễn công việc. Lĩnh vực khó sẽ tăng cường đào tạo chuyên đề, nâng cao kiến thức chuyên ngành từ cơ sở. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông hỗ trợ xử lý công việc tốt hơn…

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, ngành KSND hướng tới hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan có liên quan trong nhiệm vụ này.

“Tôi nghĩ rằng qua các vụ án, qua Báo Bảo vệ pháp luật của chúng tôi, qua Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền nhưng bởi vì đặc thù là án chỉ có xong rồi thì mới thông tin được, còn án đang điều tra thì không làm được nên nay chỉ có thể báo cáo mang tính chất tổng hợp để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền” – Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.

 Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát

- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát.

- Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

 

Vũ Cảnh