|
|
Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình rà soát, báo cáo một số nội dung liên quan. |
Rà soát các dự án đội vốn “khủng”
Theo Kết luận số 1121 ngày 9/5/2012 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2006-2011, tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư 59.481,107 tỷ đồng. Cơ quan Thanh tra xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn. Điều đáng nói, trong 10 dự án kể trên, có 02 dự án được thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi, 01 dự án áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế. Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu thì dự án mà tỉnh Ninh Bình cho đấu thầu hạn chế này lại không thuộc nhóm được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế. Còn lại, 7 dự án khác đều được chỉ định thầu nhưng công tác tổ chức thực hiện đều có sai phạm. Cụ thể, 5/7 dự án được phê duyệt kết quả chỉ định thầu không có kế hoạch đấu thầu được duyệt. Có những dự án lĩnh tạm ứng trên 600 tỷ đồng trong nhiều năm nhưng chỉ thực hiện khối lượng công việc tương ứng khoảng trên 300 tỷ đồng. Nhận thấy sai phạm của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình trong các dự án trên là nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể và những cá nhân lãnh đạo để xảy ra sai phạm.
Thực hiện Văn bản số 2864 ngày 8/6/2018 của Ủy ban kiểm tra Trung ương về việc rà soát báo cáo một số nội dung liên quan đến các dự án đội vốn “khủng” tại Ninh Bình, ngày 9/6, Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo một số nội dung...
“Nở” vốn có … cơ sở?
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV vào chiều 15/6 vừa qua, trước đề nghị nêu quan điểm về việc dự án nạo vét sông Sào Khê (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đội vốn lên 36 lần gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc vốn “nở” ra như vậy là “có cơ sở”. “Liên quan đến dự án nạo vét sông Sào Khê, cái này liên quan đến khu Tràng An - công trình chúng ta chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lúc đầu, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt dự án là 72 tỷ đồng, nhưng sau đó qua 4 lần điều chỉnh về vốn, bao gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương thì vốn tăng lên thành 2.600 tỷ đồng”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến dự án này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án ban đầu quy mô nhỏ nhưng khi làm vướng khu Cố đô nên yêu cầu phải mở rộng, phải giải phóng mặt bằng, lo tái định cư nên dẫn đến đội vốn. Nguyên nhân chính là do khảo sát không kỹ. “Lỗi ở đây chính là câu chuyện cơ chế. Đầu tiên dự án vào danh mục thì địa phương vốn ít nên làm dự án nhỏ, nhưng khi được phê duyệt, triển khai thì yêu cầu điều chỉnh nên nó cứ “nở” dần”- bà Thanh nói.
Hoàng Thanh - Trần Tâm