Tham dự cuộc họp có các nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, Nguyễn Văn Giàu cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Lâm Đồng…
|
|
Ủy ban Đối ngoại họp phiên toàn thể lần thứ 7. |
Nhiều đóng góp quan trọng trên “mặt trận” ngoại giao
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Ủy ban Đối ngoại trong năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024. Theo đó, Ủy ban Đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả trong công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình cho đến hoạt động đối ngoại song phương, đa phương...
Cụ thể, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu, tổ chức thành công chuyến thăm của Lãnh đạo Quốc hội đến các nước như Cuba, Argentina, Uruguay, Bangladesh, Bulgaria, Lào, Thái Lan…; tham mưu, chuẩn bị tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của Liên minh Nghị viện thế giới...
|
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn báo cáo về tình hình hoạt động cũng như phương hướng năm 2024. |
Về công tác lập pháp, Ủy ban đã tham gia phối hợp, thẩm tra 16 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu. Về hợp tác quốc tế, Ủy ban đã chủ trì tham mưu, xây dựng, tổ chức lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội nhiều nước. Về giám sát, khảo sát, Ủy ban đã tiến hành giám sát đối với nhiều chuyên đề quan trọng như: việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề quan trọng, đồng thời tăng cường công tác hậu giám sát. Theo đó, nhiệm kỳ này cũng đã ghi nhận công tác hậu giám sát đạt được nhiều kết quả, bước chuyển mới; nhiều kết quả giám sát được ghi nhận, đưa vào nội dung công tác điều chỉnh, sửa đổi luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hoạt động ngoại giao của nước ta diễn ra sôi động, nhiều luật, bộ luật quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính… quốc tế được ký kết, các quy định liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, có yếu tố nước ngoài hoặc thực hiện cam kết quốc tế cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội và đất nước trong khu vực và thế giới. Đối ngoại Quốc hội cũng đã đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng mong muốn, Ủy ban Đối ngoại cần nghiên cứu sâu hơn về đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại chính trị… để đề xuất, tham mưu kịp thời, hiệu quả hơn nữa cho Quốc hội, cho Đảng và Nhà nước. Về hoạt động giám sát, cần tiếp tục chú trọng khâu hậu giám sát, đưa các kiến nghị giám sát của Ủy ban vào thực tiễn cuộc sống. Với những kiến nghị liên quan đến chính sách, pháp luật thì cần theo dõi sát sao hơn, thúc đẩy việc đưa vào các dự án luật liên quan để triển khai thực hiện.
|
|
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đánh giá cao hoạt động của Ủy ban Đối ngoại thời gian qua. |
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về báo cáo giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về Hàm, cấp ngoại giao và Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài”. Mục đích của giám sát chuyên đề này là nhằm đánh giá việc tổ chức thực hiện và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp lệnh; tổng kết các kết quả phong hàm, thăng hàm, hạ hàm, tước hàm ngoại giao từ khi pháp lệnh có hiệu lực đến nay; đánh giá việc thực hiện các quy định về nghĩa vụ, quyền lợi của người mang hàm ngoại giao; xác định thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp lệnh để từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị.
|
|
Các đại biểu dự Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Đối ngoại. |
Chuyên đề giám sát cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật, xác định các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành…