leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 6/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bố trí đầy đủ vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phát biểu chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ trưởng cho biết đã tham mưu cho Chính phủ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN như thế nào?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 có giao Chính phủ nhiệm vụ bố trí vốn trong cơ cấu vốn của tổng cơ cấu vốn được phê duyệt, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước. 

Về bố trí vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025.

Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Về huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước, chúng ta đã huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Về giải pháp huy động nguồn vốn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, ngay sau khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương quyết định đầu tư, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành để tham mưu Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách gồm các nguồn vốn ODA, vốn các doanh nghiệp, các tổng công ty, nhưng đúng thời điểm năm 2021, 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn qua dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, nên không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này. 

Về vốn ODA, Ủy ban Dân tộc có dự án cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ, ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động ngân sách gần 9.000 tỉ, hiện nay đã xây dựng xong khung chính sách, tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn.

Khung chính sách đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận, tuy nhiên, trong quá trình đàm phán năm 2022 vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, khi Chương trình mục tiêu quốc gia chưa triển khai, nên chưa giải ngân vốn nhà nước, áp lực trần nợ công.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội chiều 6/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Một số bộ, ngành đang cân nhắc dừng việc này để đợi thời điểm thích hợp. Ngân hàng Thế giới thống nhất dừng lại đến hết năm tài khóa 2022, nên dự án này hiện đang tạm dừng. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu, đàm phán lại dự án này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng về khả năng huy động vốn ngoài ngân sách cho việc thực hiện Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc sẽ cố gắng thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Về các nguồn ngân sách huy động từ các tổ chức trong nước, hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, Ủy ban Dân tộc sẽ tùy theo diễn biến tình hình để báo cáo Chính phủ huy động vào thời điểm thích hợp. 

Sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa của đồng bào

Phát biểu chất vấn, đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là hết sức quan trọng. Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc được thực hiện như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, chủ trương về bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, sau Đại hội Đảng XIII, hệ thống chính trị càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Ủy ban Dân tộc đã thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch để thực hiện công tác này.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để làm tốt hơn trong giai đoạn tới, đó là các vấn đề về chính sách hỗ trợ với nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số để gìn giữ nét đẹp văn hóa; chính sách hỗ trợ để xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với phong tục tập quán; chế độ chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa của đồng bào... Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện tốt các nhiệm vụ này.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo

Phát biểu chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo. Đại biểu cho rằng tâm lý không muốn thoát nghèo, cận nghèo diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý khiến công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp ra sao để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên. 

Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại…

Vũ Cảnh