Sáng 10/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XIV, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

leftcenterrightdel

Đại biểu Ngô Trung Thành. 

Theo đó việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận theo 2 hướng chủ yếu: coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cần phải có quy định chi tiết hơn vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

“Các đối tượng liên quan cùng làm việc, sinh sống thì tính thế nào? Một cá nhân vi phạm ảnh hưởng đến cả tổ chức thì sao?”, bà Minh đặt vấn đề và đề nghị nên thận trọng cụ thể chế tài này.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền bày tỏ không đồng tình về đề xuất coi ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hành chính mà chỉ coi đây là “biện pháp ngăn chặn”, áp dụng trong trường hợp sử dụng điện, nước là tiền đề, điều kiện để vi phạm hành chính.

“Dù là xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự thì đều phải đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Như thế mới ‘tâm phục khẩu phục’”, ông Xuyền nói.

Đại biểu Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - phân tích khi áp dụng biện pháp này cần suy xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao.

Theo ông, coi đó là biện pháp ngăn chặn sẽ tốt hơn cưỡng chế, bởi nếu áp dụng không đúng sẽ phải tính toán bồi thường, rất phức tạp.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Văn Thể. 

Đại biểu Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lại thẳng thắn cho rằng quy định cắt điện nước là giải pháp không cần thiết..

Ông cho rằng ngừng cung cấp điện nước sẽ có tác động ghê gớm, thậm chí có thể gây hậu quả lớn, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng. "Một xí nghiệp có hàng nghìn công nhân mà dừng cung cấp nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người", ông nói.

Vì thế, thay vì cắt điện, nước, ông Thể đề xuất tăng khung hình phạt vi phạm hành chính gấp 10-50 lần hiện nay để răn đe. "Đây cũng là biện pháp tác động vào kinh tế người vi phạm, nhưng không gây ảnh hưởng đến xã hội và người vi phạm phải chấp hành. Ai không chấp hành thì xử phạt cao hơn", ông Thể góp ý.

Xuân Hưng