Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, xem xét đề xuất bổ sung nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội.

Trong các cơ chế đặc thù được đề xuất dành cho Hà Nội, có việc cho phép thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Báo cáo làm rõ thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết quỹ dự trữ tài chính đến năm 2019, thành phố còn khoảng 29.000 tỷ, năm 2020 có gần 40.000 tỉ, do đó thành phố đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ cải cách tiền lương cho giai đoạn 2021-2025.

Cũng trong sáng ngày 1/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Theo ông Chung, nhiều năm qua Hà Nội đã dành khoản kinh phí 300-400 tỉ đồng/năm để hỗ trợ nhiều tỉnh, TP về xây dựng trường học, công trình giao thông nông thôn.

Hiện thành phố vẫn còn 13 quận, huyện chưa đủ nguồn thu, do đó vẫn được các quận có kết dư cân đối thu ngân sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các huyện. Tuy nhiên, vừa qua Kiểm toán Nhà nước lại không quyết toán các khoản kinh phí này cho TP.

Từ đó, ông đề nghị tháo gỡ vấn đề này để thành phố tăng cường hỗ trợ cho các địa phương khác và giữa các địa phương trong thành phố.

Thông tin thêm, người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp của Hà Nội hiện còn 25.000 tỉ đồng. Những năm qua, TP thu được 11.000 tỉ từ hoạt động cổ phần hóa, số tiền này hiện được giữ lại, chưa nộp về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.

“Các cụ lão thành nhiều thế hệ nói là tiền này do thành phố đầu tư nên phải giữ lại. Lần này Quốc hội quyết định được việc này thì các cụ lão thành rất phấn khởi”, ông Chung nói.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Ga Hà Nội đi Hoàng Mai (hơn 40.000 tỉ đồng); tuyến số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc (66.000 tỉ đồng) là 2 dự án có thể được làm bằng toàn bộ ngân sách TP Hà Nội.

Từ đó, ông đề xuất cho phép thành phố giữ lại số tiền này để xây dựng đường sắt đô thị các tuyến số 3 từ Ga Hà Nội đi Hoàng Mai (hơn 40.000 tỉ đồng); tuyến số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc (66.000 tỉ đồng).

“Việc xây dựng các dự án đường sắt đô thị này hoàn toàn lấy từ nguồn vốn của thành phố”, ông Chung nói. Theo đó, nguồn thứ nhất TP lấy từ vốn cổ phần hóa. Thứ hai là vốn từ 5 năm bỏ ra được 15.000 tỉ và thứ ba là sẽ phát hành trái phiếu để làm toàn bộ tuyến đường sắt này.

Ông Chung khẳng định “Hà Nội có thể tự làm được”.

Bên cạnh đó, ông cho biết dư địa trần nợ vay của Hà Nội vẫn còn nhiều, việc tăng trần nợ vay của TP chỉ nhằm mục đích xử lý môi trường và đầu tư các dự án đường sắt đô thị, còn nguồn vốn đầu tư cho y tế, giáo dục TP hoàn toàn có thể đáp ứng vì đã có nguồn tăng thu.

Xuân Hưng