Sáng 25/7, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Phan Văn Mãi.
leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Huyền Mai)
Shipper chỉ vận chuyển hàng thiết yếu
 Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố đã trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tính chất của biến chủng Delta khiến tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao dù thành phố đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều biện pháp. Vì vậy, trong thời gian tới, các biện pháp cần phải được thực hiện kiên quyết hơn, siết chặt hơn nữa để đưa TP HCM sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
 
Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các khu phong tỏa phải đảm bảo nguyên tắc "người cách ly người", "nhà cách ly nhà". Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực tế ghi nhận người dân trong các khu phong tỏa vẫn chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nguyên tắc này, dẫn tới ca F0 trong khu phong tỏa chiếm đa số, thậm chí có ngày lên đến 70% tổng số ca mắc mới.
 
Do đó, sắp tới thành phố tăng cường kỷ cương, giãn cách, triệt để cách ly người với người, nhà với nhà, người dân chỉ được ra ngoài khi cần cấp cứu y tế. Chính quyền sẽ cung ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà; đồng thời giám sát, giảm thiểu tối đa việc giao lưu giữa người với người. Người dân không di chuyển, tiếp xúc khi không thực sự cần thiết. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm, đến nay đã cấp cho gần 43.000 phương tiện và giải quyết cơ bản cho các xe được phép ra/vào thành phố. Đối với người giao hàng (shipper) trên địa bàn TP HCM chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt nếu người giao hàng không thuộc các hãng vận chuyển, không xuất trình giấy tờ tùy thân và đang vận chuyển hàng không thiết yếu.
 
Hiện nay, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố đều được huy động tham gia tất cả các hoạt động phòng chống dịch. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lực lượng quan trọng khi thành phố triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà.
leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Huyền Mai)
 
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, thời gian vừa qua, 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám trên địa bàn thành phố đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia chiến dịch tiêm vắc xin. Ngoài ra, hơn 5.000 bác sĩ, nhân viên y tế từ ác đơn vị y tế Trung ương cũng được huy động tham gia vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM.
 
Quy định thời gian ra đường
 
Tại buổi họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay vẫn diễn biến phức tạp.
 
Ngoài nguyên nhân khách quan do chủng mới Delta gây lây lan nhanh, thành phố còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc một số nơi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ở cả hai phía người dân và chính quyền địa phương.
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trước đó thành phố đã đề ra 3 kịch bản có thể xảy ra sau khi kết thúc 15 ngày giãn cách theo Chị thị 16. Hiện tại, TP HCM đang nằm ở tình huống thứ 2 là tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, nâng cao hơn. Các ngành, các cấp, các lực lượng phòng chống dịch và người dân thành phố phải nâng cao hơn nữa ý thức, nhìn nhận đúng mức về độ phức tạp dịch bệnh để có hành động phù hợp.
 
“Để thực hiện triệt để giãn cách, cách ly, hạn chế tuyệt đối việc ra đường, tiếp xúc, thành phố sẽ tăng cường lực lượng Công an, Quân đội tuần tra, kiểm soát, có văn bản quy định đối tượng, khung giờ di chuyển. Cùng với đó, tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ các vấn đề y tế cho người dân, đặc biệt là người khó khăn, yếu thế”, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi cho biết.
leftcenterrightdel
TP HCM sẽ quy định khung giờ người dân ra đường. (Ảnh: Nguyễn Lánh) 
Đối với việc cách ly chăm sóc F0 tại nhà, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi cho rằng, dù chủng virus Delta lây lan nhanh nhưng theo thống kê cho thấy hơn 80% trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, việc cách ly tại nhà (với ưu điểm là người bệnh được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, tinh thần thoải mái) sẽ tốt hơn cho người bệnh, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.
 
Trong thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận - huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao; nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế./.
Nguyễn Lánh