Sau 8 ngày làm việc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, mở ra một nhiệm kỳ mới với những vận hội mới, thời cơ mới của đất nước.

Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2021), Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, Nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, về những kỳ vọng và giải pháp cụ thể để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

Phóng viên: Thưa PGS.TS, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đã kết thúc thành công tốt đẹp. Đại hội đã Bầu Ban Chấp hành mới, được kỳ vọng sẽ lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước lên một bước phát triển cao hơn. PGS. TS có đánh giá, kỳ vọng gì từ Đại hội này?

PGS, TS Nguyễn Thế Thắng:  Đại hội XIII là một Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cực kỳ thành công. Thành công rất tốt đẹp của Đại hội thể hiện ở hai điểm nổi bật:

Một là: Các văn kiện của Đại hội được chuẩn bị hết sức bài bản và công phu, được Đại hội thông qua chính là kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc ta. Những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo của Đại hội XIII là sự kế thừa và phát triển những thành công của 35 năm đổi mới. Các chủ trương và quyết sách đó phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, nên có thể mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của đất nước ta.

Hai là: Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành trung ương mạnh gồm gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết, đại diện cho toàn Đảng trên các lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương nước ta. Ban chấp hành Trung ương đã bầu ra một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh tiêu biểu cho bản lĩnh, phẩm chất, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Đặc biệt là, Đại hội XIII đã đồng thuận cao, đồng ý đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XIII để bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với mức tín nhiệm cao nhất. Điều đó đáp ứng đúng mong mỏi của rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vốn rất tin tưởng rằng: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước dày dạn kinh nghiệm, hội đủ đức, đủ tài, vừa có tâm, vừa có tầm để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, phát huy được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân tộc đưa đất nước đi lên.

Tôi có kỳ vọng và niềm tin rằng, dưới sự lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược với đồng chí Nguyễn Phú Trọng đứng đầu do Đại hội XIII vừa bầu ra, nhất định toàn Đảng, toàn dân tộc ta sẽ đoàn kết và đồng thuận cao; thực sự có dân chủ và kỷ luật chặt chẽ trong mọi hoạt động; thực sự sáng tạo và có quyết tâm lớn để biến khát vọng của Đảng ta, của nhân dân ta về một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc thành hiện thực.

leftcenterrightdel
PGS,TS  Nguyễn Thế Thắng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

 Phóng viên: Một trong những nội dung mà không những đảng viên, người dân trong nước và cả thế giới quan tâm, đó là về công tác đấu tranh chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua và hiện nay. Theo đánh giá của PGS, nhìn từ Đại hội lần này, ông có niềm tin và mong muốn như thế nào về công tác này trong thời gian sắp tới?

PGS, TS Nguyễn Thế Thắng: Ở đâu việc phòng, chống tham nhũng cũng là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go và phức tạp. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt; và cũng đã được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những kết quả quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cho nên tới Đại hội XIII, Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Trong đó, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn nữa, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn nữa để đạt hiệu quả cao hơn nữa. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã luôn quán triệt việc phòng, chống tham nhũng là “không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm”. “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh: "Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.”

leftcenterrightdel
Đại hội Đảng  lần thứ XIII  mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của đất nước ta. 

Do đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII này, Đảng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đảng, Nhà nước sẽ kịp thời xử lý, thay thế các cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.  

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng rằng trong thời gian tới “lò lửa” chống tham nhũng tiếp tục “hừng hừng cháy” để “đốt” hết bọn “giặc nội xâm” -Tham nhũng.

Phóng viên: Tại cuộc họp báo sau bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, “Đại hội này là Đại hội thành công một cách thực sự cả về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, lề lối làm việc và kết quả cuối cùng là Đại hội thông qua Nghị quyết”. Vậy, dưới góc nhìn của một chuyên gia, PGS, TS thấy cần có những giải pháp nào để sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn đời sống?

PGS, TS Nguyễn Thế Thắng: Đại hội XIII đã hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Để thực hiện được những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội XIII đã vạch ra, cần nhớ kỹ và thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc làm cho nghị quyết của Đảng, kế hoạch nhà nước biến thành thực tế. Người khẳng định rõ: “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.

Trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và phương thức học tập, quán triệt Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với từng cấp, từng đối tượng, từng địa phương (nhất là trong điều kiện có đại dịch COVID-19). Làm cho những quan điểm cơ bản của Đảng thật sự thấm, thật sự ngấm sâu vào nhận thức và biến thành quyết tâm cao với hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Nên kết hợp tự nghiên cứu và nghe phổ biến trực tiếp hoặc trực tuyến, kết hợp giữa học tập quán triệt với thảo luận, đối thoại giữa người nghe và báo cáo viên, qua đó, những nội dung cốt lõi, những điểm mới đến được với cán bô, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy (trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy) có trách nhiệm chỉ đạo việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết; chủ trì thảo luận và hướng dẫn, đôn đốc việc viết thu hoạch, chương trình hành động một cách nghiêm túc, thiết thực, tránh qua loa, hình thức.

Thứ hai, phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật, thành các kế hoạch, chương trình hành động sát hợp với thực tiễn của các cấp ủy, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải có sự vận dụng sáng tạo, đưa ra những giải pháp có tính khả thi và đảm bảo sức sống trong thực tế.

leftcenterrightdel
Nhất định Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc.  Ảnh: Nguyễn Văn Phụng

Thứ ba, việc xây dựng chương trình hành động cần gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả. Đây là một trong yếu tố mang tính quyết định đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời, có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo. Xây dựng các chuyên mục “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” một cách khoa học và nghệ thuật. Sáng tạo trong việc lồng ghép những nội dung của nghị quyết Đảng trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày.

Thứ năm, cần tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo chủ đề "Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt nhằm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Ðảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá.

Các phong trào thi đua của các ban, bộ, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, chống hình thức, hướng vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Thực hiện nghiêm túc việc triển khai, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn đúng và trúng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Phải làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Thứ sáu, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết và chương trình hành động; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết. Qua đó, kịp thời phát huy các thành tích; uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp để việc thực hiện Nghị quyết đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời, cần nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, dư luận xã hội để kịp thời phản ánh, giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm biến Nghị quyết thành hiện thực cuộc sống, sinh động, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII đã đề ra.

Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối thống nhất, đồng thuận, sáng tạo và quyết tâm lớn thì nhất định Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc.

An Khánh (thực hiện)