|
|
Quang cảnh hội nghị chiều 29/8 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Nên cắt giảm thêm các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật
Quan tâm tới thủ tục hành chính, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhận thấy, dự thảo Luật đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm.
Theo đó, khoản 4 Điều 37 quy định về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ. Đại biểu chỉ rõ, đây là thủ tục hành chính mới chưa có trong Luật hiện hành và có nhiều điểm trùng với thủ tục quy định về văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo Luật Xây dựng.
|
|
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 35 quy định, đối với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nếu có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư. Như vậy, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một bước nữa mới trở thành chủ đầu tư.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá lại có bao nhiêu thủ tục hành chính đã được cắt giảm, bao nhiêu thủ tục được bổ sung trong dự thảo Luật để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Nhà lưu trú công nhân có được sử dụng để ở cho cả hộ gia đình?
Tham gia ý kiến về quy định liên quan đến “nhà lưu trú công nhân” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ, nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không, thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đại biểu cho biết, nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Trường hợp hai vợ chồng cùng làm việc trong khu công nghiệp thì sẽ có con cái kèm theo, nhưng con cái không làm việc trong khu công nghiệp, thì có được ở nhà lưu trú công nhân hay không? Vì không khẳng định là nhà ở, nên nhà lưu trú công nhân không phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình. Nếu không cho con cái ở cùng thì có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong khu công nghiệp mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đồng thời công nhân ngoài khu công nghiệp không được thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhưng công nhân trong khu công nghiệp lại có cả hai lựa chọn này?
Đề nghị cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư dưới nhiều hình thức
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, khoản 3 Điều 153 dự thảo luật quy định chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp kinh phí bảo trì, tuy nhiên không quy định biện pháp để bắt buộc người sở hữu phải đóng và dự thảo luận chỉ mới quy định về cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với chủ đầu tư.
Trong thực tế khi chung cư xuống cấp nhưng không đủ kinh phí cần phải thu thêm nhưng vì nhiều lý do chủ sở hữu căn hộ không đóng kinh phí, dẫn đến khó khăn cho công tác bảo trì, sửa chữa. Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung hành vi không đóng kinh phí bảo trì căn hộ là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 của dự thảo luật.
|
|
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Về hình thức tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, tại khoản 2 Điều 143 dự thảo quy định hình thức họp đã mở hơn so với Luật năm 2014. Đó là thay vì bắt buộc chỉ họp theo hình thức trực tiếp, trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp và họp trực tuyến. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có nhiều nhà chung cư có quy mô lớn, số dân nhiều nên việc tổ chức hội nghị trực tiếp là không khả thi. Do vậy, đại biểu cho rằng, họp trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp với trực tuyến sẽ là hình thức phù hợp và khả thi.
Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo quy định cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư bằng các hình thức: trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong mọi hoàn cảnh, không chỉ cho phép họp trực tuyến kết hợp trực tiếp trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Sẽ thể hiện rõ hơn chủ trương quyền có nơi ở của công dân trong dự thảo Luật
Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các ý kiến đã phát biểu đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tinh thần trách nhiệm, cùng nhiều đóng góp quý báu cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đối với các nội dung góp ý cụ thể, về chính sách phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm quy định tại Điều 4, Điều 5 để thể hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quyền có nơi ở của công dân, quyền sở hữu nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, quản lý chặt chẽ chống đầu cơ, đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền… cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến, bổ sung vào các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo đầy đủ hơn.
Về yêu cầu chung đối với phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật hiện đang quy định, tại các đô thị loại I, loại II và loại III, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.
|
|
Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp). |
Về đất để phát triển dự án nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, quy hoạch phát triển nhà ở thương mại được thực hiện theo quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, còn nhà ở thương mại phát triển theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo luật cũng đã nêu 2 phương án quy định về nội dung này, nhiều ý kiến trong phiên thảo luận hôm nay ủng hộ theo phương án 1, kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đối với đất ở, đất khác, được nhận chuyển nhượng đất ở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu toàn diện, giải trình chi tiết cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức, cơ quan hữu quan, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.