leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị sáng 29/8 (ảnh: VPQH cung cấp).

Cần làm rõ vai trò của công chứng trong hợp đồng giao dịch bất động sản

Tham gia thảo luận tại phiên họp về dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan tâm đến nội dung về công chứng hợp đồng giao dịch trong kinh doanh bất động sản. Theo đại biểu, trong giao dịch kinh doanh bất động sản, vai trò của công chứng là rất quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi của các bên.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, vai trò của công chứng không chỉ là chứng kiến giao dịch diễn ra, mà còn bảo vệ quyền lợi của người mua cũng như người bán đúng theo quy định của pháp luật. Thực tế, bất động sản thường là tài sản lớn, là thành quả một đời lao động, chính vì thế, các quy định ràng buộc ở trong hợp đồng giao dịch cần phải có những người am hiểu quy định pháp luật tham gia ý kiến, để khi có tranh chấp xảy ra, hoặc khi một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách rõ ràng, minh bạch.

Trong thực tế, qua các cuộc làm việc với các chuyên gia, các tổ chức có liên quan, đại biểu cho rằng, các tài liệu, hợp đồng, hồ sơ mua bán của các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra thường có dung lượng rất lớn và nội dung phức tạp, người dân bình thường khó hiểu hết được nghĩa vụ, quyền lợi của mình, dẫn đến thiệt thòi khi có tranh chấp xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần làm rõ vai trò của công chứng trong hợp đồng giao dịch bất động sản.

Cần khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn

Tham gia ý kiến về dự án luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho rằng, cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho rằng, chưa thể yên tâm với tình thế hiện tại, khi bất động sản có giá trị kinh tế lớn, chúng ta có một thời gian dài mua bán bất động sản một cách thuận tiện, dễ dàng, nhưng cũng rất lộn xộn, và khi có sự cố xảy ra thì người dân, nhà nước dễ chịu thiệt thòi. Kinh doanh bất động sản đã trở thành một nghề dễ làm, dễ phất lên, với những mánh lới luồn lách.

Vì vậy, để lành mạnh hóa thị trường này, đại biểu cho rằng việc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết, để đảm bảo chính thức, nghiêm túc, tin cậy và tuân thủ pháp luật. Đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có những quy định hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

Nghiêm cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản

Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu nhất trí với 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như dự thảo luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: đó là thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Phải hành nghề trong một sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới.

Để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý tốt các đối tượng này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư trong việc đảm bảo minh bạch thông tin để khách hàng chủ động, an toàn trong việc tìm, mua bất động sản.

Cần làm rõ như thế nào là không nhằm mục đích kinh doanh bất động sản

Góp ý tới nội dung tại Điều 9 về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không nên quy định như tại khoản 3 dự thảo Luật. Bởi trên thực tế, tổ chức, cá nhân phải có tài sản, công trình, đất thì được thực hiện các quyền về định đoạt tài sản để thực hiện việc chuyển nhượng, cho thuê và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ như thế nào là không nhằm mục đích kinh doanh và nhằm mục đích kinh doanh...

leftcenterrightdel
 Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Về hình thức kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật quy định 6 hình thức, chủ yếu là kinh doanh bất động sản thông qua đầu tư dự án, đầu tư hạ tầng, thuê mua để bán, cho thuê, nhận chuyển nhượng,… Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng dự thảo Luật chưa đề cập hình thức kinh doanh bất động sản được hình thành từ cá nhân có đất đầu tư nhà ở, công trình xây dựng. Bên cạnh đó, kinh doanh nhà ở, các công trình sẵn có cũng là hình thức kinh doanh. Do đó, đại biểu đề xuất cần cụ thể hoá vấn đề này trong luật.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật

Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tâm huyết, trách nhiệm. Qua tổng hợp cho thấy các ý kiến tập trung vào 8 nhóm vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian tới cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình tại Kỳ họp thứ 6 với chất lượng tốt nhất.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Về mối quan hệ luật kinh doanh bất động sản với luật khác, cơ quan sẽ tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất của Luật này và luật có liên quan.

Về điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản: Luật đã khoanh phạm vi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 1 và loại trừ 5 trường hợp; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm nhằm mục đích kinh doanh và không nhằm mục đích kinh doanh để bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Về bảo lãnh, các đại biểu đồng tình với phương án cần thiết quy định về bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm của các bên liên quan, các cơ quan thống nhất theo hướng cho phép có quyền lựa chọn bảo lãnh. 

Về đặt cọc, các đại biểu đều cơ quan nhất trí với sự cần thiết quy định về đặt cọc. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thêm quan điểm sửa luật để quy định thống nhất mức tiền đặt cọc không được quá cao để không biến đặt cọc thành huy động vốn; nhưng cũng không được quá thấp. Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định ở mức đặt cọc hợp lý.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Về chuyển nhượng dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết quy định của dự thảo nhằm ràng buộc trách nhiệm của bên nhận chuyển nhượng có cam kết, kí quỹ bảo lãnh để cam kết thực hiện dự án.

Về công chứng và chứng thực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc cần thiết có quy định về công chứng, chứng thực để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong giao dịch. Tuy nhiên, do đối tượng là cá nhân không thuộc của đối tượng điều chỉnh của Luật nên dự thảo quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực đối với một số giao dịch. Qua thảo luận của các đại biểu cho thấy, nếu quy định theo hướng này sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý. Tiếp thu ý kiến đại biểu Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để cùng Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp rà soát để có hướng quy định. 

Về sàn giao dịch bất động sản là nội dung cũng nhận được sự ủng hộ của các đại biểu. Đồng thời đề nghị cần có những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng hoạt động của sàn. Về việc lộ trình giao dịch qua sàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết nếu các sàn hoạt động tốt thì “hữu xạ tự nhiên hương” khi đó sẽ thu hút được các bên giao dịch. Do đó dự thảo Luật không quy định cứng về lộ trình. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu các ý kiến của đại biểu, các ý kiến không tiếp thu cũng sẽ có giải trình thỏa đáng, bảo đảm chất lượng dự án luật.

Minh Khôi