leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tán thành cao với dự thảo luật đã được tiếp thu, hoàn thiện sau kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị cân nhắc địa vị pháp lý phù hợp, đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị ban soạn thảo làm rõ mục tiêu xây dựng luật tạo cơ sở pháp lý sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có, trong đó có lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ nòng cốt hỗ trợ công an chính quy trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn bởi đây là lực lượng quần chúng, tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không thuộc bộ máy nhà nước, chỉ tham gia hỗ trợ lực lượng công an cấp xã. Trong khi đó, lực lượng công an chính quy cấp xã được bố trí rất mỏng, có nhiều địa bàn rộng, từ xã xuống thôn mấy chục kilomet, vì vậy cần cân nhắc lực lượng này do cơ quan nào thành lập, cần giao quyền chủ động cho cơ sở theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, bên cạnh quy định độ tuổi tối thiểu tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cũng cần quy định độ tuổi tối đa để lực lượng này hoạt động hiệu quả nhất. 

Bên cạnh đó, cần quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở như lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, có chế độ, phụ cấp phù hợp, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phương tiện hỗ trợ; giao cụ thể tỷ lệ kinh phí của địa phương và trung ương trong luật…

Cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này

Góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, Dự án Luật này đã được các cơ quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 và các hội nghị liên quan. Đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, nhất là về chế độ phải phù hợp khả năng của ngân sách và vừa phải động viên các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Góp ý kiến cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại Điều 10 dự thảo Luật nêu rõ: hỗ trợ cùng công an cấp xã để nắm thông tin, kiểm tra nhân khẩu… đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng nếu quy định như thế này sẽ dễ bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ.

Về vấn đề xây dựng lực lượng, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cần quy định rõ nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Hội nghị dự thảo luật tương đối đầy đủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu góp ý một số ý kiến về nội dung quy định liên quan đến chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đó, Điều 16 trong dự thảo luật đã có quy định về chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trong đó, khoản 3 về nhiệm vụ của các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có quy định: Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã về hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. 

Đại biểu cho rằng cần lưu ý không thành lập thêm các tổ chức ở cơ sở, nhưng nếu đã quy định Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã, thì phải có quy định để giao nhiệm vụ, phân rõ phạm vi quyền hạn, cách thức Tổ trưởng tiến hành triển khai công việc, để đảm bảo quyền điều hành, thực hiện nhiệm vụ của người Tổ trưởng.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Ngoài ra, về bổ sung, kiện toàn chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, dự thảo luật quy định, Công an cấp xã có văn bản giới thiệu Tổ trưởng, Tổ phó trong số Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận chức danh Tổ trưởng, Tổ phố Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố.

Đại biểu cho rằng cần quy định như vậy còn bất cập, chưa đảm bảo hiệu quả trong thực tế, cần có quy định giao cấp huyện rà soát, bổ sung lực lượng khi cần thiết, đảm bảo quá trình kiện toàn chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự diễn ra hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân

Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng ghi nhận các ý kiến góp ý sâu sắc, toàn diện của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời chia sẻ, quá trình soạn thảo dự án luật này có những đặc thù, đã kéo dài trải qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Đến nay các cơ quan liên quan đã có đủ thời gian để nghiên cứu, tiếp thu và ngày càng hoàn thiện dự thảo luật.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ dự thảo Luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này đã có tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo, kịp thời các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 vừa qua, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo quan điểm xuyên suốt, thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của Công an xã. Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về các nội dung còn băn khoăn, các ý kiến đề nghị cân nhắc hoặc bổ sung hoặc đề xuất mới tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết các cơ quan sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ có báo cáo Chính phủ để có sự giải trình, tiếp thu và điều chỉnh hợp lý trong dự thảo Luật để đảm bảo điều kiện trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua.

Cần đưa ra rõ quan điểm về những vấn đề còn ý kiến khác nhau

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các cấp, các ngành để trình Hội nghị.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và các dự thảo, tài liệu đã gửi. Các đại biểu yêu cầu tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này, theo hướng do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm… Cần tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng này cho rõ hơn, nhất là chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, nhiệm vụ hỗ trợ, tham gia, giới hạn, phạm vi trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu để gửi các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tiếp thu trên cơ sở sự tham gia của các đoàn ĐBQH, các cơ quan chức năng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng, An ninh đôn đốc cơ quan soạn thảo bổ sung những vấn đề đã nêu, đưa ra rõ quan điểm về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Minh Khôi