leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9/6.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thu phí không dừng

Phát biểu chất vấn, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho biết, việc triển khai thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Theo Nghị quyết số 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thu phí được áp dụng thực hiện thống nhất trên cả nước từ năm 2019. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn và sau 5 năm triển khai, đến nay, việc này vẫn chưa được hoàn thành.

leftcenterrightdel
 ĐBQH Đặng Hồng Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ nguyên nhân chính của việc chậm trễ này. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, từ ngày 31/7/2022, nếu trạm thu phí nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải “xả trạm”. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc này có thực hiện được hay không?

Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, cần ứng dụng để giúp việc đi lại và nộp thuế phí của người dân được tiện lợi, công khai, minh bạch. Chính phủ đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp sơ suất kỹ thuật.

Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ đã không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra. Đến năm 2019, các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Nhưng vì vấn đề tái cơ cấu của Tổng Công ty Đường cao tốc nên chậm tiến độ.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến ngày 30/6 tới, toàn bộ các trạm BOT trừ trạm của Tổng Công ty Đường cao tốc phải lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn. Đến ngày 31/7 năm nay sẽ hoàn thành toàn bộ lắp các trạm thu phí đầy đủ ở tất cả các làn đường. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ, Bộ GTVT triển khai thành công thí điểm thu phí không dừng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng làm cơ sở mở rộng cho các tuyến cao tốc khác. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống. Tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, kịp thời khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành hệ thống. Thực hiện đúng quy định Hợp đồng BOT đã ký, cho phép các dự án được áp dụng mức phí theo lộ trình trong Hợp đồng trong năm 2022…

Biến động về giá gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) dẫn báo cáo số 5568 ngày 5/6/2022 của Bộ GTVT có nêu nhiều tồn tại, hạn chế như: biến động về giá cả nguyên liệu, vật liệu xây dựng gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Báo cáo của Bộ GTVT có nêu giải pháp phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng. Đại biểu đặt câu hỏi, đến bao giờ có thể giải quyết vấn đề trên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 9/6.

Cùng quan tâm đến vấn đề nêu trên, ĐBQH Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, vừa qua khi xây dựng một số đoạn cao tốc đường bộ đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại nguyên vật liệu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xử lý vấn đề này như thế nào để bảo đảm các dự án đúng tiến độ, chất lượng?

Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nhìn nhận, đúng như đại biểu phản ánh, thời gian qua, giá nguyên vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án xây đường cao tốc, dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, nếu các địa phương thông báo kịp thời về giá vật liệu thì sẽ có can thiệp điều chỉnh sớm. Do đó, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để nắm diễn biến công trình, làm căn cứ để thực hiện điều chỉnh giá phù hợp, sát với thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách, đồng thời, giúp các nhà thầu không bị thiệt hại trong quá trình thực hiện dự án.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên vật liệu xây dựng; chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Việc tham gia của các Bộ, ngành sẽ giúp làm tốt được vấn đề công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà thầu…

Vũ Cảnh