Ngày 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đặt câu hỏi: Chính phủ có chương trình hành động và giải pháp gì mang tính khả thi tốt nhất để đối tượng thu nhập thấp dễ sở hữu 1 căn nhà ở đô thị?

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tạo nêu: Vấn đề về chính sách nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp tại các đô thị đã và đang trở thành nỗi niềm trăn trở, tâm tư của cử tri muốn gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp lần này. Thực tế cho thấy, phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần trên thị trường nhà ở tại các đô thị trong những năm gần đây, giai đoạn 2010-2020, trong khi đối tượng thu nhập thấp thì không thể tiếp cận được thị trường phân khúc nhà ở thương mại và ngày càng khó khăn hơn.

“Vậy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có chương trình hành động và giải pháp gì mang tính khả thi tốt nhất để xử lý vấn đề này trong thời gian sắp đến, giai đoạn 2021-2026. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải trình cho cử tri được rõ và an tâm” – đại biểu Nguyễn Tạo đặt câu hỏi.

Sau yêu cầu của đại biểu Nguyễn Tạo, điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo.

Cần khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ, yêu cầu về phát triển nhà ở xã hội thì rất lớn. Theo tính toán thì đến năm 2020, chúng ta cần khoảng 12,5 triệu m2 về vấn đề nhà ở xã hội và vấn đề này Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có một chương trình riêng là phát triển nhà xã hội với nhiều chính sách. Tổng quát lại thì có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm các chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn, giảm một số các loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho dự án phát triển nhà ở xã hội.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, đối với người mua thì Chính phủ cũng có chính sách là hỗ trợ lãi suất để người dân vay mua nhà ở xã hội. Thực hiện các chính sách này với sự cố gắng rất cao của các địa phương, hiện nay đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và khu vực đô thị là 2,8 triệu và cho công nhân ở khu công nghiệp là khoảng 2,3 triệu. Kết quả đạt được cũng rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu và nếu như kết quả này chúng ta mới giải quyết được 41,5% so với yêu cầu tổng số là 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Hạn chế, tồn tại, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong phát triển nhà ở xã hội là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập và thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho người mua nhà ở theo quy định pháp luật.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ, theo nhu cầu, chúng ta phải dành khoảng 9.000 tỷ ngân sách để hỗ trợ lãi suất nhưng hiện nay mới bố trí được khoảng 4.000 tỷ. Ở các địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm tới việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội và cũng chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển xã hội.

Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo. Trước hết, đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định diện tích căn hộ tối thiểu khép kín là 45m2, mà điều này tạo một điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư bố trí các căn hộ này trong các dự án xã hội nói chung, cũng như các dự án về xây dựng nhà ở khác ở đô thị. Chính phủ cũng đã bố trí 4.000 tỷ hỗ trợ lãi suất để cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Một số địa phương cũng đã quan tâm đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất và thực hiện một số chính sách ưu đãi riêng của địa phương cho phát triển nhà ở xã hội.

leftcenterrightdel
 Phiên họp của Quốc hội ngày 6/11.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 ở các đô thị để tạo điều kiện phê duyệt các dự án cấp phép, các dự án nhà ở xã hội.

Thứ hai là vấn đề bố trí đủ quỹ đất. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Hiện nay một số địa phương nhu cầu nhà ở xã hội rất nhiều nhưng chưa bố trí đủ quy định để cho phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta phải tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để có tính kết nối giữa khu vực phát triển nhà ở xã hội và các khu vực khác của đô thị. Tới đây, sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 để tạo các cơ chế, chính sách đột phá hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo các cơ hội thuận lợi hơn cho người dân mua nhà ở xã hội”.

“Chúng tôi đang báo cáo Chính phủ để ra một chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán khoảng từ 15 triệu đồng/1 m2. Theo phân tích hiện nay trên thị trường, tất cả các nhà chung cư thì cơ cấu căn hộ diện tích nhỏ mặc dù có thể lên tới hàng tỷ đồng nhưng rất thiếu, rất khan hiếm. Chúng ta sẽ xử lý vấn đề” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Cảnh Vũ