leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị sáng 30/8 (ảnh: VPQH cung cấp).

Phải có trách nhiệm quản lý, gìn giữ và bảo vệ quỹ đất một cách hợp lý

Góp ý về các nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân được Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tuy nhiên dự thảo luật chưa có quy định về trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện và toàn dân với tư cách là người sở hữu đất đai, trường hợp nào Nhà nước phải lấy ý kiến toàn dân, trường hợp nào toàn dân quyết định. Đại biểu đề nghị nội dung này cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nguyên tắc sử dụng đất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng đất đai là tài nguyên hữu hạn, có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm chí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất thì chúng ta tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là nguyên lý của phát triển bền vững. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc "bền vững" trong sử dụng đất vào khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật làm căn cứ, cơ sở cho việc xác lập các chính sách trong Dự thảo Luật. 

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự. 

Đề nghị không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để xây nhà ở thương mại

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai góp ý vào Điều 127 của dự thảo Luật. Dự thảo có xây dựng 2 phương án, đại biểu nêu rõ, phương án 1 quy định đối với dự án nhà ở thuơng mại thì được thỏa thuận quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác, mục đích là cho phép doanh nghiệp thỏa thuận và xây dựng vì mục đích thương mại trên đất không phải là đất ở… Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây không phải vấn đề mới và đã được tranh luận rất quyết liệt tại Hội trường.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho biết, giải trình, tiếp thu về vấn đề này, UBTVQH đã có Báo cáo số 104 ngày 1/1/2022, theo đó, UBTVQH đã nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thoát thoát NSNN. Đại biểu Nguyễn Công Long nhận thấy, từ đó đến nay tình hình không có chuyển biến để cần thay đổi quan điểm này, đề nghị cần làm rõ. Do đó, theo quan điểm của đại biểu, cần giữ nguyên quy định này và đề nghị cân nhắc phương án 1 được quy định tại Điều 127 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 127 của dự thảo theo hướng: chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất vì cả 2 phương án như dự thảo quy định đều chưa đảm bảo chặt chẽ.

Đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, về các khoản thu được quy định tại Điều 153 đề nghị tiếp tục rà soát trong tổng số 8 khoản thu ngân sách và 4 khoản thu các dịch vụ công về đất đai trong quy định cần có quy định là các khoản thu khác theo pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ sử dụng đất.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp tục rà soát, thống nhất giữa quy định các quy định trong dự thảo Luật như tại khoản 2 Điều 153 quy định tiền thuê đất được ổn định trong chu kỳ 5 năm trong khi quy định tại Điều 159 thì bảng giá đất được áp dụng để tính tiền sử dụng đất tiền thuê đất, các loại thuế, phí được Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua lần đầu để công bố và thực hiện hàng năm và nếu như cần thiết thì hàng năm điều chỉnh sửa đổi, bổ sung. 

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng dự thảo Luật đã cụ thể thêm một bước về các quy định về các phương pháp áp dụng định giá đất bao gồm: phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất bao gồm mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá theo thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất. 

Luật cần tiếp tục các quy định liên quan đến công cụ quản lý nhà nước như kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, phân loại đất, điều tiết hạn mức sử dụng đất, giá đất để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo các quyền của người dân về đất đai theo quy định của Hiến pháp.

Sẽ có chế tài để chống chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất trồng lúa

Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, ngay sau phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã làm việc không quản cuối tuần để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để kịp thời trình tại Hội nghị lần này bảo đảm chất lượng nhất.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội (ảnh: VPQH cung cấp).

Về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, các đại biểu quan ngại trục lợi chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết dự kiến sẽ nghiên cứu để chỉnh lý dự thảo Luật sẽ có quy định về việc yêu cầu thành lập doanh nghiệp, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp để cấp có thẩm quyền phê duyệt, hay có đề xuất bổ sung thêm là phải có dự án đầu tư, đồng thời có chế tài để chống chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Về đất dùng chung cho cộng đồng hay được quyền góp vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để xử lý và cho rằng giao Chính phủ quy định và giao cho các địa phương xử lý sẽ phù hợp hơn do mỗi địa phương có quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau. Nếu quy định cứng trong luật này sẽ không bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đối với các loại đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tiếp thu ý kiến đại biểu để bổ sung đất ở có thời hạn để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hay đất hoàn thổ, hoàn nguyên sau chu kỳ khai thác khoáng sản, tuy nhiên còn vướng quy định về cơ chế để xử lý tài chính cho trường hợp này quy định ở luật này hay luật nào thì các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất, các đại biểu quan ngại khi lập quy hoạch đồng thời nhưng phê duyệt thì cao trước thấp sau. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật quy định để có cơ chế đề phòng trường hợp quy hoạch chậm triển khai trong năm đầu của kỳ quy hoạch bởi nếu không có cơ chế này thì các địa phương sẽ khó trong tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, đòi hỏi các địa phương phải sớm bảo đảm hoàn thành tiến độ lập quy hoạch.

Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các cơ quan thống nhất theo nguyên tắc có những chỉ tiêu loại đất cần phải quản lý chặt chẽ như đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng, đất an ninh để bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Các chỉ tiêu khác có thể là giao xuống cho quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn. 

Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, một số đại biểu cũng cho rằng không cần thiết tuy nhiên đây là nội dung phải được thể chế hóa theo Nghị quyết 18-NQ//TW về có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết sẽ nghiên cứu những vướng mắc liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà các đại biểu đã nêu để có hướng xử lý trong Luật để bảo đảm quy hoạch này đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ngoài ra, về các trường hợp thu hồi đất, thu hồi đất rừng do vi phạm, khu tái định cư tại các địa phương không có quỹ đất, các loại đất thực hiện nhà ở thương mại, quỹ phát triển đất hay các nội dung giải thích từ ngữ… trong thời gian tới Ủy ban Kinh tế sẽ cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp để rà soát kỹ từ đầu đến cuối, bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật.

Minh Khôi