leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp chiều 28/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đó, về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 46), Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án liên quan đến điều kiện cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng (trừ trường hợp thuộc hàng thừa kế):

Phương án 1: Trong mọi trường hợp, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa.

Phương án 2: Khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Đa số ý kiến trong TTUBKT nhất trí Phương án 1 để bảo đảm quản lý nghiêm ngặt đất trồng lúa, tránh việc trục lợi chính sách nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; một số ý kiến tán thành Phương án 2.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia (Điều 251), quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (Điều 65), quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (Điều 65), trên cơ sở tiếp tục rà soát, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia:

Phương án 1: Quy định 05 chỉ tiêu sử dụng đất bao gồm: đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất quốc phòng, đất an ninh.

Phương án 2: Quy định 09 chỉ tiêu sử dụng đất, so với Phương án 1 có thêm chỉ tiêu về: đất phát triển hạ tầng quốc gia, vùng; đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn; đất có di tích lịch sử - văn hoá quốc gia, quốc gia đặc biệt; đất danh lam thắng cảnh quốc gia, quốc gia đặc biệt.

TTUBKT cơ bản thống nhất lựa chọn Phương án 1. Bên cạnh đó, TTUBKT đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, tránh trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, tạo điểm nghẽn cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79):

Về cách thức quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, không phân biệt về nguồn vốn, mà khi xem xét tổng thể dự án thì lợi ích quốc gia, công cộng là lợi ích chi phối cần cho sự phát triển của đất nước, của địa phương, đồng thời, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại Luật là cụ thể hóa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định”.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về các trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:

Một là, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh sửa nhiều nội dung bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan về cơ sở giáo dục – đào tạo, y tế, cơ sở xã hội, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...

Hai là, về thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư từ hoạt động lấn biển, TTUBKT nhận thấy, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội về thu hồi đất để “thực hiện dự án đầu tư từ hoạt động lấn biển” và “dự án lấn biển” chưa rõ các loại hình dự án có liên quan đến hoạt động lấn biển.

Vì vậy, tại Điều 79 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định về thu hồi phần đất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lấn biển; tại Điều 190 về hoạt động lấn biển, rà soát, chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.

Ba là, về  khoản 26 và khoản 27 Điều 79 (điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79 dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5): Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất ngay tại Điều 79 thay vì dẫn chiếu sang các điều, khoản khác. Đồng thời, thu hẹp phạm vi các dự án tạo quỹ đất trên cơ sở quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, chỉ khu trú dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 28/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng phải là các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc khả năng huy động nguồn vốn thực hiện dự án và quỹ đất hiện có; trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về tiêu chí xác định dự án thu hồi đất phù hợp với điều kiện của địa phương.

Một số ý kiến trong TTUBKT cho rằng kinh doanh bất động sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, đang và sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính của sự phát triển kinh tế - xã hội; việc phát triển các dự án này không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và xây dựng đô thị văn minh hiện đại; vì vậy, việc thu hồi thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Việc điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án loại này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc tính chất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của các dự án loại này.

Về làm rõ các trường hợp thu hồi đất, các trường hợp đang có quyền sử dụng đất và thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Dự thảo Luật được chỉnh lý tại Điều 79 và khoản 6 Điều 128 theo hướng làm rõ: người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 của Luật này nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chuyển mục đích sử dụng đất; ngoài các trường hợp thu hồi đất là các trường hợp người sử dụng đất chưa có đất có thể thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

TTUBKT nhận thấy, đây là quy định quan trọng của Luật Đất đai, cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, để quy định rõ ràng, cụ thể, hợp lý, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18-NQ/TW và tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, tránh cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trên thực tiễn...

Minh Khôi