Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản số 2749/SNN-VP gửi Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo- Sở Nội vụ về việc đề nghị khuyến cáo phật tử và người dân không mua, bán các loài chim hoang dã để phóng sinh.
Văn bản cho biết, thời gian qua, tình trạng săn bắt chim trời và nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng nghiêm trọng và diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Chim hoang dã bị săn bắt, ngoài việc để bán cho các nhà hàng hoặc nuôi làm cảnh còn phục vụ cho hoạt động phóng sinh... Những hoạt động săn, bắn, bẫy, bắt chim hoang dã sẽ làm tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.
|
|
Tình trạng săn bắt, bẫy chim hoang dã vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh trên một trang Facebook chuyên về bẫy chim. |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, các hành vi này là vi phạm pháp luật và các quy định liên quan tại Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD; Chỉ thị 04/CT/TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Trước đó, thực hiện Công văn số 6461/BNN-TCLN ngày 27/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư và chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 3307/UBND-KT ngày 7/10/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã có Công văn số 2835/SNN-VP ngày 14/10/2022, về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu triển khai các nội dung của Công văn số 6461/BNN-TCLN.
|
|
Bẫy chim chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng và phục vụ nhu cầu chim phóng sinh. Ảnh trên một trang Facebook chuyên về bẫy chim. |
“Để ngăn chặn có hiệu quả và tiến tới chấm dứt các hành vi săn bắt chim hoang dã nêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị... phối hợp tuyên truyền, phổ biến trực tiếp đến toàn thể Phật tử và người dân... để nâng cao nhận thức về ý nghĩa của phóng sinh và về hành vi vi phạm pháp luật đối với hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, mua, bán chim hoang dã trái phép; tuyệt đối không cho phép phật tử và người dân mua, bán chim phóng sinh trước cổng và trong khuôn viên các chùa; trường hợp phát hiện thì liên hệ ngay cho cơ quan chức năng để phối hợp tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi vi phạm.”, văn bản của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận viết.
|
|
Cơ quan chức năng khuyến cáo, hoạt động săn bắn, bẫy chim hoang dã sẽ làm tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh trên một trang Facebook chuyên về bẫy chim. |
Trước đó ngày 28/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản số 1989/SNNPTNT-CCKL với nội dung tương tự.
Văn bản 1989/SNNPTNT-CCKL nhấn mạnh việc thay đổi nhận thức của phật tử về phóng sinh, khuyến cáo tuyệt đối không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hoạt động tiếp tay cho các hành vi săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
Liên quan đến chủ đề này, ngày 6/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh thực trạng bẫy, bắt, buôn bán, vận chuyển các loài chim hoang dã, di cư.
|
|
Lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh giải cứu những con chim đi tránh bão bị vướng vào dụng cụ bẫy chim. Nguồn: daidoanket. |
Chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ quan chức năng trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD; tăng cường đấu tranh phòng ngừa và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và ĐVHD nói riêng.
Chỉ thị 09/CT-UBND đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phạm tội về đa dạng sinh học để răn đe, phòng ngừa chung.