Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là trận đánh chống ngoại xâm thắng lợi của nước Đại Việt thời Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo vào đầu năm Kỷ Dậu 1789. Quân Tây Sơn đã đánh tan đội quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy - kéo sang biên giới và tràn vào lãnh thổ Đại Việt do sự cầu viện của vua Lê Chiêu Thống nhà Hậu Lê.

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa là chiến thắng quân sự tiêu biểu, thể hiện tài năng cầm quân của hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn. Quân Thanh có quân số đông hơn 2-3 lần, có cả ưu thế về địa hình, cộng thêm cả quân Lê Chiêu Thống hỗ trợ. Nhưng bất chấp những khó khăn đó, vua Quang Trung đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng quân Thanh và Lê Chiêu Thống, chiếm lại được kinh đô Thăng Long chỉ trong vòng 5 ngày.

leftcenterrightdel
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai và người dân dâng hương tại Điện thờ Tam Kiệt trong lễ kỷ niệm.

Chiến thắng này đã giữ vững sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lược, chấm dứt kế hoạch xâm chiếm của nhà Thanh. Lê Chiêu Thống phải chạy theo quân Thanh, đánh dấu việc nhà Tây Sơn trở thành triều đại mới của nước Việt Nam.

Theo đó, thế kỷ XVIII, đất nước ta có nhiều biến loạn, ở Đàng ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng trong Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Từ những năm 60 thế kỷ XVIII về trước, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp Bắc, Trung, Nam. Ở Bình Định có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng những cuộc khởi nghĩa ấy đều thất bại. Lúc bấy giờ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã đứng lên làm một cuộc khởi nghĩa. Năm 1771, ba anh đã bí mật xây dựng căn cứ, tập hợp nghĩa binh trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo, phất cờ khởi nghĩa.

Đến mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập chiến công khi đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng đất nước. Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thể hiện ý chí độc lập, tự chủ được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tinh thần của phong trào Tây Sơn và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mãi mãi là niềm tự hào, tiếp sức cho thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Đông đảo du khách và nhân dân về dự lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại Bình Định.

Nhằm kỷ niệm chiến thắng lịch sử, các địa phương như Bình Định, Gia Lai và Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng này. Tại Bình Định, lễ kỷ niệm được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tại Gia Lai, buổi lễ được tổ chức tại di tích An Khê Trường thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Tại Hà Nội, quận Đống Đa tổ chức lễ tại Công viên văn hóa Đống Đa và tại huyện Thanh Trì buổi lễ cũng được tổ chức tại Đài chiến thắng Ngọc Hồi tại huyện Thanh Trì.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm tại Gia Lai – bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã khẳng định nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ; với những anh tài xuất chúng: Tây Sơn Tam kiệt, Tây Sơn Ngũ phụng thư, Tây Sơn lục kỳ sĩ và Tây Sơn Thất hổ tướng.

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Văn Phong dâng hương tại đài tưởng niệm chiến thắng Ngọc Hồi tại huyện Thanh Trì.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa giải phóng Thăng Long đã thể hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta, ý nguyện của các tầng lớp Nhân dân-những người yêu chuộng hòa bình. Đây là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc.

Đêm 30 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn vượt sông, hạ đồn tiền tiêu ở Gián Khẩu. Đêm mùng 3 Tết, chiếm đồn Hà Hồi. Rạng sáng mùng 5 Tết, đại quân một mũi tiến công Ngọc Hồi, khiến đồn giặc chìm trong khói lửa; một mũi khác áp sát đồn Đống Đa, khiến quân tướng nhà Thanh phải bỏ chạy thục mạng. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, khi ấy đang ở cung Tây Long, đã “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn kỵ mã nhằm hướng Bắc mà chạy” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Trưa mồng 5 Tết, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào hoan hỉ của người dân Thăng Long, đúng là: “Một trận rồng lửa giặc tan tành/Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh/Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến/Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khẳng định nghệ thuật quân sự  của nghĩa quân Tây Sơn, tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thuật thần tốc, chỉ trong 5 ngày đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, trong đó trận Ngọc Hồi và Đống Đa là tử huyệt.

Xuân Nha