Ngày 26/1 (mùng 5 tháng Giêng năm Qúy Mão) tại Công viên văn hóa Gò Đống Đa, quận Đống Đa long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa (1789-2023), tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là minh chứng lịch sử khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nhân dân ta. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn; là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh.
leftcenterrightdel
 Màn trình diễn nghệ thuật tại Công viên văn hóa gò Đống Đa, Hà Nội.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa chính là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc của truyền thống yêu nước, yêu độc lập-tự do; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường ngàn đời của nhân dân ta.

Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã đập tan giấc mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.
leftcenterrightdel

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên dự Lễ hội.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định khẳng định,  tự hào tiếp nối truyền thống, khí thế hào hùng của Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa năm xưa, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa đã đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Hoạt động kinh tế khôi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của những năm trước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Mô hình chính quyền đô thị tiếp tục được thí điểm, phát huy hiệu quả. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...

leftcenterrightdel
 Màn biểu diễn tại Công viên văn hóa Đống Đa.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa sẽ không ngừng nỗ lực, xây dựng quận phát triển bền vững, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh- Hiện đại” theo đúng phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

leftcenterrightdel
 Biểu diễn nghệ thuật màn sử thi kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Ngay sau lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật màn sử thi kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa do Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, hay chiến thắng Kỷ Dậu là tên gọi mà các nhà sử học Việt Nam dành cho loạt trận đánh chống ngoại xâm của nước Đại Việt dưới thời Tây Sơn, do Vua Quang Trung lãnh đạo. Lúc bấy giờ, nhà Thanh lợi dụng tình hình nước ta rối ren, biến loạn, đã phái Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân sang xâm lược. Theo sử sách lược ghi, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, rồi lập tức cùng nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc nhằm đập tan dã tâm của giặc. Chọn khu vực Thăng Long làm mục tiêu tiến công chủ yếu, nhà vua chia quân làm năm đạo, đích thân chỉ huy hướng chính diện cùng tiến. Giữa ba quân, lời hịch vang động, ý chí ngút ngàn: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Đêm 30 Tết, nghĩa quân vượt sông, hạ đồn tiền tiêu ở Gián Khẩu. Đêm mùng 3 Tết, chiếm đồn Hà Hồi. Rạng sáng mùng 5 Tết, đại quân một mũi tiến công Ngọc Hồi, khiến đồn giặc chìm trong khói lửa; một mũi khác áp sát đồn Đống Đa, khiến quân tướng nhà Thanh phải bỏ chạy thục mạng. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, khi ấy đang ở cung Tây Long, đã “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn kỵ mã nhằm hướng Bắc mà chạy” (Hoàng Lê nhất thống chí). Trưa mồng 5 Tết, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào hoan hỉ của người dân Thăng Long, đúng là: “Một trận rồng lửa giặc tan tành/Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh/Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến/Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khẳng định nghệ thuật quân sự  của nghĩa quân Tây Sơn, tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thuật thần tốc, chỉ trong 5 ngày đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, trong đó trận Ngọc Hồi và Đống Đa là tử huyệt.

Ngày nay, tại nhiều điểm di tích lưu dấu đội quân áo vải, cờ đào, các hoạt động “giỗ trận” thể hiện lòng thành kính được duy trì đều đặn. Đặc biệt, tại Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mở ra hằng năm với nhiều nghi thức truyền thống linh thiêng, như: Lễ rước kiệu, dâng hương, đọc trúc văn, trình diễn sử thi, trống hội, tái hiện thế trận rồng lửa… Bên cạnh các nghi thức phần lễ, các hoạt động phần hội tại đây cũng không kém phần độc đáo là: Thi đấu cớ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng về dâng hương, dự hội.

 

 

Hồng Vân