Ngày 21/1, Bộ Nội vụ đã có quyết định giải thể Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972, đây là hội thứ hai, hoạt động liên tỉnh, bị giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trước khi ra quyết định này, Bộ Nội vụ đã làm việc với lãnh đạo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam đã đồng tình, ủng hộ.

leftcenterrightdel
 Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị đã bị giải thể.

Trước đó, đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh, tố cáo liên quan đến tổ chức này.

Cuối năm 2019, Bộ Nội vụ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật và điều lệ. Kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ kết luận Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị 1972 đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật và Điều lệ của chính mình.

Theo tìm hiểu của PV, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị được Bộ Nội vụ cho phép thành lập tháng 4/2014, do ông Lê Xuân Tánh, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị, làm Chủ tịch.

Quá trình thành lập, ông Tánh đã bị nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thị xã Quảng Trị (còn được gọi là bảo vệ Thành cổ Quảng Trị) phản ánh, tố cáo là giả danh chiến sĩ thành cổ, lợi dụng biểu tượng này phục vụ lợi ích cá nhân không chỉ có mình mà còn cho nhiều người khác không liên quan gì đến sự kiện lịch sử hào hùng năm 1972.

Sau khi được thành lập, hội này mà trực tiếp là Thường vụ Ban Chấp hành tiếp tục bị tố cáo về hàng loạt dấu hiệu vi phạm, giả mạo, nhất là trong công tác thông tin, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.

Đứng đơn và quyết liệt đấu tranh có ông Trần Ngọc Long, Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 48 – một đơn vị chủ công, trực tiếp tham gia toàn bộ 81 ngày đêm chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Theo ông Long, Chủ tịch Lê Xuân Tánh cùng toàn bộ 17 ủy viên Ban Thường vụ và hầu hết 59 Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị không có ai thực sự trực tiếp chiến đấu, bảo vệ thị xã – thành cổ Quảng Trị, như biểu tượng mà bám vào đó để thành lập Hội.

Ngoài ra, ông Tánh trước đây từng lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị cấp tỉnh năm 2011, nhưng rồi hai năm sau bị chính tỉnh Quảng Trị thu hồi quyết định cho phép thành lập. Cá nhân ông Tánh năm 2014 còn bị Tỉnh ủy Quảng Trị kỷ luật khiển trách về hàng loạt vi phạm trong các hoạt động ở tỉnh này có sử dụng biểu tượng “Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị”.

Từ các tố cáo ấy, tháng 5-2016, Bộ Quốc phòng kiểm tra và kết luận Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị có hàng loạt sai phạm như không hề báo cáo Cục Chính sách Bộ Quốc phòng cũng như Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 – cơ quan chuyên trách về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về kết quả thông tin, tìm kiếm, cất bốc quy tập hài cốt liệt sĩ.

Hội cũng không hề trao đổi, phối hợp, báo cáo công việc ấy với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị. Không có biên bản bàn giao hài cốt, không có bất cứ hồ sơ, tài liệu nào chứng minh việc Hội đã thực hiện việc cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Theo Nghị định 45/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, cơ quản quản lý về hội có quyền giải thể hội khi hội đó vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

P.V