Sáng nay (23/3), tại Hà Nội, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV với sự tham gia của đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp báo.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi họp báo. 

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày mai (24/3) và kéo dài trong 12 ngày. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Quốc hội cũng xem xét, thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, để bảo đảm sự đồng bộ trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.

Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021 và xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp báo.

Theo tài liệu được Văn phòng Quốc hội cung cấp tại buổi họp báo sáng ngày 23/3, Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật; gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao.

Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội; củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế.

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù khối lượng công việc tăng nhưng Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều biện pháp làm tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa, từng bước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp. Viện kiểm sát các cấp đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng; chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm, tăng cường kiến nghị các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa; chất lượng, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, làm giảm các loại vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp; góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng; tiếp tục hoàn thành vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội…

Vũ Cảnh